Tại thành phố Long Xuyên, đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở ngành và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tham dự hội nghị có ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị); Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh; Đại sứ Hàn Quốc Lee Hyuk; đại diện các sở, ngành tỉnh An Giang cùng doanh nghiệp Hàn Quốc và An Giang.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nhu cầu cần thu hút đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực.
An Giang là tỉnh nông nghiệp, sản phẩm chủ lực hàng năm là gạo trên 4 triệu tấn và thủy sản nước ngọt 351 ngàn tấn. Kinh tế biên mậu cũng rất phát triển với giá trị xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới năm 2016 đạt 1,1 tỷ USD. An Giang cũng là một tỉnh thu hút du lịch với 6,4 triệu lượt khách trong năm 2016, doanh thu đạt gần 91 triệu USD.
Với mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 đạt 6,52%, GDP/người đạt 1.392 USD/năm, CPI đứng thứ 38/63 tỉnh thành, tỉnh hiện đang tập trung thực hiện kế hoạch nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp, để tiếp tục tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh An Giang và các đối tác Hàn Quốc đã đạt được một số tiến triển tích cực, nhiều hoạt động hợp tác đã được triển khai như tiếp nhận tình nguyện viên, tổ chức các buổi tọa đàm, triển lãm tăng cường quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, cũng như tạo điều kiện giao lưu, trao đổi về văn hóa, xúc tiến hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc.
Một trong những điểm nổi bật trong mối quan hệ giữa tỉnh An Giang và Hàn Quốc, đó là việc thành phố Long Xuyên của tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác cấp địa phương với quận Buk-gu, Tp. Ulsan của Hàn Quốc vào năm 2012. Trên cơ sở đó, hai địa phương này đã tiến hành các hoạt động giao lưu trao đổi đoàn, để thúc đẩy các nội dung hợp tác mà hai bên đã ký kết.
Về giáo dục, Trường Đại học An Giang đã ký kết biên bản hợp tác (MOU) với với Đại học Quốc gia Hanbat của Hàn Quốc về phát triển các dự án hợp tác, tổ chức hội thảo chuyên đề về văn hoá, trao đổi giáo viên, sinh viên. Hiện đã có 2 giảng viên của trường đã và đang học chương trình đào tạo Tiến sĩ và sau Tiến sĩ tại Hàn Quốc.
Mỗi năm tỉnh An Giang tiếp nhận trung bình từ 01 chương trình, dự án phi chính phủ của các cá nhân và tổ chức Hàn Quốc. Phần lớn là các viện trợ phi chính phủ tập trung trong các lĩnh vực: an sinh xã hội, giáo dục – đào tạo, viện trợ cá nhân.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 11 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 78 triệu USD, chiếm 29,52% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào tỉnh. Nhà đầu tư Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và lĩnh vực thương mại dịch vụ. Các dự án này giải quyết được việc làm cho hơn 7.000 lao động tại chỗ của địa phương.
Ngoài ra, trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và các đối tác từ phía Hàn Quốc, tỉnh An Giang được tiếp cận nguồn vốn ODA của Hàn Quốc đầu tư 01 dự án thoát nước và xử lý nước thải và 01 dự án đầu tư trang thiết bị y tế với tổng vốn ODA 49 triệu USD.
Tại hội nghị, UBND tỉnh An Giang cũng đề xuất nhiều hoạt động hợp tác ODA không hoàn lại, ODA vốn vay, đầu tư trực tiếp trên nhiều lĩnh vực như xử lý nước thải, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp với trị giá nhiều triệu USD.
Bên cạnh các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, tỉnh An Giang cũng đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc hỗ trợ thúc đẩy hợp tác với các đối tác Hàn Quốc trên những lĩnh vực như giao lưu văn hoá, thúc đẩy việc học tiếng Hàn, tạo cơ hội cho sinh viên, lao động tỉnh An Giang có nguyện vọng sang du học, lao động tại Hàn Quốc đồng thời làm cầu nối kết nghĩa với một địa phương của bạn.
Đại sứ Lee Hyuk nhấn mạnh năm 2017 là năm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao, hợp tác rực rỡ giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Để có được những thành công đó, phải kể đến cơ cấu của hai nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau, hai nước đã phát huy tốt các giá trị tương đồng và tinh thần luôn hướng tới tương lai. Xuất thân từ vùng nông thôn, Đại sứ chia sẻ những tiềm năng của An Giang trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh và những kết quả hợp tác trong thời gian qua, để thu hút làn sóng đầu tư tiếp theo từ các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và quốc tế nói chung, tỉnh cần tăng cường giao lưu, có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh so với các địa phương khác, Đại sứ cho biết.
Đối với các đề xuất cụ thể, hai bên sẽ tiếp tục xem xét đồng thời cam kết xem xét thêm các dự án cơ hội khác trong danh mục dự án của tỉnh không có điều kiện trình bày tại hội nghị.
Đại sứ Lee Hyuk chia sẻ trong thời gian tới doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam, để tận dụng tốt cơ hội này, tỉnh An Giang cần có kế hoạch thu hút, quảng bá rộng rãi tiềm năng hợp tác của mình, đồng thời duy trì tiếp xúc, cung cấp thông tin với các cơ quan đại diện thương mại Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm.
Bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp cần nhiều lao động như da giày, may mặc để giải quyết được nhiều nhu cầu việc làm, tỉnh An Giang cần có các bước chuẩn bị về nguồn nhân lực, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin mà Hàn Quốc có thế mạnh.
Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong đề nghị tỉnh An Giang sớm hoàn tất các hồ sơ, thủ tục nội bộ phía Việt Nam để kịp thời hạn xét duyệt, đồng thời mong muốn các cơ quan đại diện thương mại và doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu mở rộng khả năng hợp tác với tỉnh. Về hợp tác phi tập trung, Việt Nam và Hàn Quốc hiện đã xây dựng được 40 cặp kết nghĩa, do đó ông Phong tin tưởng rằng phía Hàn Quốc sẽ lựa chọn và giới thiệu một địa phương để hợp tác lâu dài với tỉnh.
NTD