Tham dự hội nghị lần này có hơn 140 đại biểu từ các trường Đại học của VIệt Nam, Đức, Áo và các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như đại diện đại sứ quán Đức, Áo và các tổ chức của Đức tại Việt Nam. Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ thông tin về thành tựu mới trong giảng dạy tiếng Đức và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo tiếng Đức.
Các đại biểu thảo luận về cách giảng dạy liên văn hoá trong giờ học tiếng Đức, những vấn đề về đào tạo giáo viên, vai trò và kỹ năng kiến thức cần thiết đối với nghề biên phiên dịch trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong bài phát biểu khai mạc đại diện của Cơ quan hợp tác giáo dục với nước ngoài (ZfA) tại Hà Nội, Tiến sĩ Jörg Helmke một lần nữa nhấn mạnh vai trò của giáo viên giảng dạy tiếng Đức:
“Các thầy cô không chỉ là cầu nối giữa các ngôn ngữ, mà còn là những cây cầu gắn kết các thế giới quan khác nhau. Thông qua việc giới thiệu cho các học trò của mình nền văn hóa mới lạ, giảng giải cho các em sự khác biệt về văn hóa, giúp các em làm quen với đất nước và con người, các thầy cô trên cương vị là giáo viên giảng dạy ngoại ngữ hiện đại chính là những giao liên qua lại giữa các nền văn hóa. Giáo viên ngoại ngữ là một trong những nghề đòi hỏi cao về chuyên môn nhưng đồng thời cũng là một trong những nghề đẹp nhất. Để làm tốt nghề của mình chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nghiên cứu thực tế và giảng dạy lý thuyết. Vì vậy, Hội thảo giáo viên tiếng Đức quốc tế lần thứ tư sẽ là một diễn đàn lý tưởng để trao đổi các biện pháp giúp chúng ta làm tốt hơn nghề của mình”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Christian Berger, Đại sứ CHLB Đức tại Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, khẳng định vai trò của tiếng Đức trong bối cảnh toàn cầu hóa, bày tỏ vui mừng về những bước phát triển của việc dạy và học tiếng Đức ở Việt Nam, ca ngợi những đóng góp quan trọng của các giáo viên tiếng Đức vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị Đức - Việt.
Trong ba ngày hội thảo, các đại biểu tham dự đã đọc nhiều tham luận, trình bày kết quả nghiên cứu của mình xung quanh các chủ đề: Phương pháp giảng dạy kỹ năng giao tiếp liên văn hoá trong giờ học tiếng Đức và những vấn đề trong đào tạo giáo viên; Vai trò của tính liên ngành trong nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu ngôn ngữ Đức tại Đức, Áo và khu vực châu Á; Những kỹ năng và kiến thức cần thiết đối với nghề biên phiên dịch trong bối cảnh toàn cầu hoá … Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu những mô hình hợp tác quốc tế thành công của các viện nghiên cứu ngôn ngữ Đức và trao đổi các khả năng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ Đức trong tương lai.
Ban Châu Âu