Hội nghị diễn ra với sự tham dự của trên 50 đại biểu đến từ Trung Quốc và các tổ chức hữu nghị nhân dân của 10 nước ASEAN với Trung Quốc. Đoàn đại biểu Trung Quốc đến từ 06 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Quý Châu, Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Vân Nam do Bà Cố Tú Liên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, Hội trưởng Hội Trung Quốc-ASEAN dẫn đầu. Đoàn đại biểu Việt Nam, 03 người, do đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Tại lễ khai mạc Hội nghị, ông Li Yoong Yoong, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng và nội bộ - đại diện Ban Thư ký ASEAN, ông Sudrajat, Hội trưởng Hội Hợp tác kinh tế xã hội và văn hóa Indonesia – Trung Quốc và ông Adi Harsono, Tỉnh trưởng tỉnh Tây Java đã lần lượt có các bài phát biểu. Trên cơ sở của tinh thần Hội nghị Bandung 64 năm trước và với với chủ đề Hội nghị “Tinh thần Bang-dung – Hành trình hữu nghị ASEAN-Trung Quốc”, đại biểu của các tổ chức hữu nghị nhân dân bày tỏ mong muốn nỗ lực xây dựng tình hữu nghị và hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi vì hạnh phúc của người dân, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã báo cáo về công tác hữu nghị nhân dân với Trung Quốc kể từ sau hội nghị lần thứ 11 tại Siêm Riệp, Campuchia và được các bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Trong khuôn khổ hội nghị, đêm Gala dinner đã diễn sôi nổi, đặc sắc với các tiết mục múa với trang phục dân tộc trên nền nhạc và hình ảnh của các nước ASEAN, để lại ấn tượng tốt trong lòng các đại biểu. Tại đây, Hội trưởng Hội Hợp tác kinh tế xã hội và văn hóa Indonesia – Trung Quốc đã chuyển giao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 13 cho Lào.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thăm Bảo tàng Hội nghị Á-Phi (còn gọi là Hội nghị Bandung) tổ chức năm 1955 tại Bandung. Đây là hội nghị đã đưa ra tuyên bố về 10 nguyên tắc nổi tiếng, được gọi là "Tinh thần Bandung", làm cơ sở cho quan hệ Á-Phi và hình thành "Phong trào không liên kết" (NAM).
Thu Hương