Nhà triển lãm Việt Nam tại Expo 2020 Dubai. (Ảnh Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ) |
Những năm 80 của thế kỷ 20, thế giới chứng kiến nhiều biến động to lớn do ảnh hưởng của cuộc chạy đua vũ trang cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa các cường quốc và những khủng hoảng trầm trọng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại liên quan mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế. Hậu quả của chiến tranh kéo dài đã khiến cho nhiều hoạt động sản xuất tại Việt Nam bị đình trệ, ngân sách thiếu hụt, lạm phát tăng cao,...
Cùng với đó, những diễn biến phức tạp từ tình hình quốc tế dội vào trong nước, tác động không nhỏ đến chính trị-xã hội và hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Thực tiễn này đặt ra những yêu cầu về sự thay đổi tư duy lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, trong đó có công tác đối ngoại.
Tại Đại hội VI (1986), trước những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, Đảng ta đã xác định: “Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình, chúng ta phải đặc biệt coi trọng kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế, các yếu tố truyền thống và thời đại, sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, và luôn luôn làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình đối với các nước anh em và bầu bạn”.
Đại hội khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và hữu nghị”, “chủ trương và ủng hộ chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau”. Hai năm sau, ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, trong đó xác định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Việt Nam là giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Nghị quyết chỉ rõ trong quan hệ quốc tế phải “thêm bạn bớt thù”; kiên quyết chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình; kiên quyết, mở rộng quan hệ và đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế.
Bằng việc đưa cụm từ “đa dạng hóa quan hệ” trên cơ sở “thêm bạn bớt thù” vào Nghị quyết, Đảng ta đã xác định rõ tư duy đối ngoại theo định hướng đa phương. Có thể nói, đây là một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và mục tiêu đối ngoại của Việt Nam trước những yêu cầu của tình hình mới.
Và đến tháng 6/1992, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác đối ngoại, xác định nhiệm vụ công tác đối ngoại; đề ra chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa..., trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc...
Những định hướng, chỉ đạo có tính chất mở đường nêu trên mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp xác lập chính sách ngoại giao đa phương, tạo tiền đề triển khai công tác đối ngoại sau này của Việt Nam. Ngay từ những năm 80, 90 của thế kỷ 20, Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương, tham gia tích cực vào các diễn đàn, phong trào quốc tế, đặc biệt tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động của Liên hợp quốc.
Thực tiễn cho thấy, trong hơn 35 năm kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chiến lược sáng suốt, đúng đắn trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố.
Ghi nhận về những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại hợp tác quốc tế, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có những bước tiến quan trọng về chủ trương, chính sách cũng như triển khai trên thực tiễn, cùng với quốc phòng và an ninh đã củng cố môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện tiếp tục được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, đan xen lợi ích được tăng cường; thúc đẩy ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân được triển khai tích cực trong điều kiện tăng cường hội nhập quốc tế, nhất là trong thời gian dịch Covid-19; tích cực phát huy vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc, APEC, ASEAN và các diễn đàn, cơ chế liên quan, như được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, dù đã và đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh khu vực và thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, khó lường, Đảng ta vẫn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Thực tiễn đã chứng minh đây là một sự lựa chọn sáng suốt của Đảng ta, phù hợp xu thế thời đại là hòa bình, độc lập, phát triển và hội nhập quốc tế.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, hiệu quả, thành công mà chúng ta đạt được là bởi chính sách mà Đảng, Nhà nước ta kiên trì thực hiện là xuất phát từ chính lợi ích quốc gia, dân tộc nên tạo được sự ủng hộ, đồng tình và huy động được sự tham gia góp sức của mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Việc kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại “chọn chính nghĩa, không chọn bên”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển quan hệ đối ngoại đa phương, thiết lập, củng cố quan hệ với tất cả các nước, nhất là các đối tác chiến lược; gia tăng đan xen lợi ích chung với nhiều nước, không bị lệ thuộc vào bất cứ quốc gia hay đối tác, thị trường nào, tranh thủ tối đa và tạo sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ các lợi ích an ninh, chính trị và phát triển kinh tế-xã hội.
Tính đến tháng 2/2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc). Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.
Chúng ta được bạn bè quốc tế tin tưởng, tín nhiệm đề cử đăng cai, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, 2023-2025; Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017; Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018…
Thành tựu đã đạt được cũng như thực tiễn sinh động về hoạt động đối ngoại của Việt Nam là minh chứng rõ ràng để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Có thể thấy rõ các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào công tác đối ngoại thời gian qua thực chất là nhằm hướng đến mục tiêu gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hạ thấp vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cũng như mỗi cá nhân cần phát huy vai trò trách nhiệm công dân, tỉnh táo trước những luận điệu tuyên truyền sai sự thật, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Với tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, các tầng lớp nhân dân tiếp tục sát cánh cùng với Đảng, Nhà nước tạo thành một khối đoàn kết thống nhất, vững bền, kiên định mục tiêu chung vì độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no của cả dân tộc. Đó sẽ là thành trì bất khả xâm phạm, mà không một thế lực đen tối nào có thể phá hoại, làm lay chuyển được. (Còn nữa)
Q.Hoa t.h / Theo Nhân Dân