PV: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt như thế nào trong công tác đối ngoại nhân dân, qua đó góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thưa bà?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong hơn 2 năm qua, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, nỗ lực phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Với vai trò là một lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên ngày 14-12-2021 về “Xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao "Cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" và Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5-1-2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ nhiệm vụ “Tập trung quán triệt, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, một trong ba trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”.
Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và những biến động phức tạp, sâu sắc chưa từng có trên thế giới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát huy sức mạnh của toàn hệ thống, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động và đạt được những kết quả tích cực trong công tác đối ngoại nhân dân.
Thứ nhất, nỗ lực xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với các đối tác mới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức thành công một số hoạt động đối ngoại quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét như: Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới (11-2022) với sự tham dự của 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 đại biểu quốc tế đến từ 49 quốc gia trên thế giới; các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1-2023) với sự tham dự của các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế đã tham gia, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đám phán để ký Hiệp định. Chuỗi các hoạt động đối ngoại nhân dân ở các cấp với Lào và Campuchia chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào (kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào), Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia (kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia). Liên hiệp đã tích cực phối hợp với các đối tác Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Brazil, Algeria, Italia, Belarus, Azerbaijan… tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những điểm nổi bật thời gian qua là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân làm phong phú thêm nội hàm của các hoạt động đối ngoại cấp cao như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc (2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore, Campuchia; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Campuchia (2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Cuba, Argentina và Uruguay (2023)... Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz thăm Việt Nam (2022); Chủ tịch Quốc hội Mozambique thăm Việt Nam (2022); Chủ tịch Đảng "Nước Nga thống nhất” thăm Việt Nam (2023)...
Liên hiệp hữu nghị và các tổ chức thành viên đã linh hoạt, chủ động tổ chức hàng trăm hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị có nội dung sâu sắc và hình thức rất phong phú cả trực tuyến và trực tiếp trên các kênh nhân dân ở cả cấp quốc gia và các địa phương, trong đó nổi bật là: Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với đại sứ quán và các đối tác của các nước bạn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, các ngày quốc khánh, ngày lễ lớn của Việt Nam và các nước như: Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Áo, Thụy Sĩ, Chile, Argentina, Thái Lan, Sri Lanka, Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Uzberkistan …và nhiều nước khác ở các châu lục với các hình thức đa dạng như gặp mặt hữu nghị, tọa đàm, giao lưu văn hóa, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật... Nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị quốc tế, các cuộc thi “Giai điệu hữu nghị”, vẽ tranh thiếu nhi, thi hùng biện tiếng nước ngoài, các chương trình “Ở nhà dân”, “Ươm mầm hữu nghị”, “Hướng tới tương lai” dành cho sinh viên nước ngoài, Ngày Yoga quốc tế đã được tổ chức sôi nổi ở nhiều địa phương như: Tuyên Quang, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp… Chúng ta cũng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Singapore; tổ chức và tham gia nhiều hoạt động đoàn kết, ủng hộ nhân dân Cuba; tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác ở Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Đức, Argentina và nhiều nước khác.
Tích cực tham gia công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Liên hiệp đã vận động 115 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ nhân dân Việt Nam bằng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, thiết bị y tế, tiền mặt, tập huấn phương pháp, kỹ năng phòng tránh dịch với tổng giá trị lên tới hơn 6,5 triệu USD. Đặc biệt, Liên hiệp hữu nghị và các tổ chức thành viên đã thực hiện sáng kiến “Công tác đối ngoại nhân dân hỗ trợ bạn bè quốc tế phòng, chống dịch Covid-19, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới”, vận động các hội viên, các nhà hảo tâm quyên góp và kịp thời gửi hàng triệu khẩu trang, hàng nghìn thiết bị y tế và tiền mặt, với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng ủng hộ nhân dân các nước bạn chống dịch bệnh, thể hiện truyền thống thủy chung, tình nghĩa, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn của dân tộc ta.
Thứ hai, đối ngoại nhân dân đã tích cực tham gia huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đảm nhiệm tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), tham gia tích cực vào việc xây dựng và quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới về đăng ký, quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn lực viện trợ nước ngoài ngày càng eo hẹp, Liên hiệp đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương pháp vận động, tích cực hỗ trợ hoạt động của các tổ chức PCPNN.
Tới thời điểm hiện nay có trên 340 tổ chức PCPNN hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với giá trị viện trợ PCPNN giải ngân trung bình trong 2 năm qua đạt trên 230 triệu USD/năm, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Để phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Liên hiệp đã tham gia các hoạt động tăng cường hợp tác với các nước châu Phi, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức các hội thảo quốc tế về thành phố thông minh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự tham dự của nhiều đại biểu quốc tế.
Thứ ba, tích cực tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn nhân dân Á – Âu (AEPF), Hội đồng Hòa bình thế giới, các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN (Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc - UN ECOSOC và Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền - AICHR), thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ tư, đổi mới công tác thông tin đối ngoại và nghiên cứu, tham mưu. Liên hiệp đã tăng cường thông tin về Việt Nam cho bạn bè quốc tế thông qua việc gửi bản tin Quốc tế E-Newsletter định kỳ hằng tuần; đăng tải các thông tin trên Tạp chí Thời Đại với 5 ngôn ngữ khác nhau; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Liên hiệp, của Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam và các tạp chí như: Bạch Dương, Việt - Mỹ... Các bản tin của các tổ chức thành viên đã tích cực thông tin phản ánh sinh động về Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tổ chức thành công cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” để tìm hiểu về quan hệ Việt Nam - Lào...
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu của Hội Việt - Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi, chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình quốc tế nhằm quán triệt chủ trương, đường lối và đề xuất biện pháp phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Thứ năm, tích cực củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh, tăng cường sự gắn kết giữa Trung ương với địa phương. Tổ chức thành công lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 tại Cao Bằng. Thành lập mới ba tổ chức hữu nghị với Maroc, Nepal, Áo và nhiều hội hữu nghị tại các địa phương. Hoạt động của các tổ chức thành viên ở địa phương có nhiều khởi sắc, có thay đổi về chất, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nâng cao vị thế của các tổ chức thành viên ở địa phương. Kết nối của các tổ chức được tăng cường thông qua cơ chế Cụm hoạt động.
Với kết quả hoạt động tích cực, toàn diện trong hơn hai năm qua, Liên hiệp hữu nghị đã thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt, cùng các lực lượng khác trong trụ cột đối ngoại nhân dân phối hợp và hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo sức mạnh tổng hợp của đối ngoại trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Từ thực tiễn trên, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, mọi chiến lược, kế hoạch và việc triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân cần quán triệt sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trên nền tảng đó, thực sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo để “vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.
Hai là, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong trong chia sẻ thông tin, xây dựng chính sách, triển khai các hoạt động đối ngoại và xây dựng lực lượng; sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng làm đối ngoại nhân dân và sự gắn kết giữa Trung ương và địa phương.
Ba là, củng cố, mở rộng mạng lưới đối tác và huy động, xây dựng nguồn lực cả trong nước và quốc tế. Trong khi củng cố mạng lưới đối tác là các tổ chức cánh tả, tổ chức nhân dân, các đối tác ở các nước bạn bè truyền thống, cần mở rộng quan hệ đối tác với nhiều cơ quan tổ chức, từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu, các đảng phái, các học giả, chính trị gia và các doanh nghiệp, cá nhân mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam. Huy động sự tham gia đóng góp của các giai tầng trong xã hội vào công tác đối ngoại nhân dân.
Bốn là, xây dựng bộ máy cơ quan thường trực tinh gọn, tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp, có đội ngũ cán bộ có chuyên môn và ngoại ngữ, năng động, sáng tạo, tâm huyết, có thể đảm nhiệm được nhiều nhiệm vụ. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 12 và các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại và đối ngoại nhân dân, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực chất, có chiều sâu, phù hợp với đặc thù của từng tổ chức, từng địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển, củng cố, mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, đặc biệt là các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước ASEAN và các đối tác chiến lược, toàn diện, bạn bè truyền thống. Gắn kết hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương với các tổ chức thành viên ở địa phương, tạo sự thống nhất, tăng hiệu quả và sức lan tỏa. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với bạn bè quốc tế, huy động sự tham gia của nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp, nhất là giới trẻ... để tăng sức hấp dẫn, làm đa dạng, phong phú thêm các hoạt động và tăng cường lực lượng làm đối ngoại nhân dân.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả sự tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các sáng kiến hợp tác trong những vấn đề thuộc lợi ích và quan tâm chung như về hoà bình, an ninh, ứng phó với các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống, phát triển bền vững, vai trò của luật pháp quốc tế.
Thứ ba, tích cực triển khai Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Trong khi tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của các chương trình, dự án, tiếp tục đổi mới cách tiếp cận trong công tác vận động, đa dạng hóa đối tác, mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác có tiềm năng, nỗ lực giải quyết các vướng mắc hỗ trợ các tổ chức PCPNN và các địa phương triển khai dự án thành công để huy động nguồn lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý phục vụ công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, nhân đạo, qua đó chuyển tải thông tin khách quan về Việt Nam ra thế giới, tranh thủ sự ủng hộ cho Việt Nam.
Thứ tư, triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong toàn hệ thống. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức ấn phẩm thông tin đối ngoại, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, để thông tin kịp thời, phong phú, sinh động và hấp dẫn về đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tích cực phản bác các luận điệu chống phá, sai trái, thù địch với Việt Nam, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo và nhân quyền, chủ quyền biển đảo; tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là về các xu hướng, tập hợp lực lượng nhân dân thế giới, phát huy vai trò là kênh thông tin đa chiều, khách quan, tích cực đóng góp vào công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, tham mưu đề xuất các chủ trương, biện pháp đối ngoại song phương và đa phương. Tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới, phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ NVNONN ở một số địa bàn ổn định cuộc sống, hội nhập với đời sống nước sở tại; vận động NVNONN gắn bó, hướng về quê hương, đất nước thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thứ năm, tích cực thúc đẩy và phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phát triển hệ thống Liên hiệp hữu nghị vững mạnh, bền vững, hoạt động hiệu quả. Phát huy tính chủ động, linh hoạt nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại của các tổ chức thành viên và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.
PV: Xin cảm ơn bà!
Long Phạm / Theo qdnd.vn