Từ những năm 20, thế kỷ XX, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài, Người đã nhận thức rất rõ về vai trò, vị trí của công tác đối ngoại nhân dân. Với tư tưởng của người, công tác đối ngoại nhân dân đã vận động được nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, sau này thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ, đoàn kết với nhân dân ta chống Mỹ cứu nước. Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, đối ngoại nhân dân cùng với đối ngoại của Đảng và Ngoại giao nhà nước đã tạo điều kiện mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, tạo thế đứng quốc tế vững chắc, môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2018 tiếp tục là một năm đối ngoại nhân dân gặt hái được nhiều thành quả quan trọng nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức.
Liên hoan hữu nghị nhân dân Lào – Việt Nam lần thứ IV do Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tổ chức từ ngày 17 – 23/7/2017 tại Lào
Chú trọng chiều sâu và hiệu quả trong hợp tác
Trên lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân, hoạt động đối ngoại của Liên hiệp Hữu nghị không chỉ tăng về số lượng mà còn có nội dung và phương thức ngày càng phong phú, đa dạng, được nâng cao cả về quy mô, chiều sâu và hiệu quả. Cùng với hoạt động vận động bạn bè quốc tế, giới thiệu, quảng bá về Việt Nam, tham gia vào những vấn đề toàn cầu, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nhân đạo và phát triển, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học & công nghệ, văn hoá, giáo dục, Liên hiệp Hữu nghị đã chủ động tham gia có hiệu quả các diễn đàn, cơ chế hợp tác nhân dân đa phương khu vực và quốc tế quan trọng góp phần đấu tranh bảo vệ hình ảnh và lợi ích của Việt Nam, đóng góp cho phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Với vai trò là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp Hữu nghị đã tích cực tuyên truyền, quảng bá về thành tựu đổi mới, chính sách đối ngoại, thu hút đầu tư của Việt Nam và vận động, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ PCPNN. Năm 2018, giá trị viện trợ từ các tổ chức PCPNN được duy trì, ước tính đạt khoảng 300 triệu đô la Mỹ với hàng nghìn dự án giúp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Qua các chuyến thăm, tiếp xúc Liên hiệp Hữu nghị giúp các tổ chức PCPNN có cái nhìn khách quan hơn về Việt Nam, từ đó các tổ chức PCPNN trở thành kênh chính trị đối ngoại quan trọng, trực tiếp góp phần hoặc hỗ trợ Việt Nam chuyển tải các thông điệp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tới thế giới.
Đa dạng hoá và đa phương hoá đối ngoại nhân dân
Năm 2018, quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới tiếp tục được đa dạng hóa và đa phương hóa. Quan hệ với bạn bè cũ đã ủng hộ nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến được duy trì và tăng cường. Quan hệ với bạn bè mới được xây dựng và mở rộng. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã hướng tập trung vào các nước láng giềng và ở khu vực ASEAN, các nước quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống, kết hợp thúc đẩy về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác, cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác đối ngoại nhân dân được triển khai ở tất cả các ngành, các cấp, trong đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) được giao chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, giao lưu, hợp tác nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN).
Với mạng lưới trên 1.000 đối tác ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, năm 2018, Liên hiệp Hữu nghị cử khoảng 70 đoàn công tác nước ngoài, đón gần 1.400 đoàn với trên 3.000 lượt người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới vào thăm, làm việc, thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác, triển khai các dự án nhân đạo và phát triển tại Việt Nam.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức Lễ ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị giai đoạn 2018-2021 (Ảnh: TV)
Tham gia tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia
Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân do Liên hiệp Hữu nghị triển khai đã tham gia ngày càng chủ động hơn trong vận động, đấu tranh và tổ chức các hoạt động góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước, vận động đấu tranh dư luận với những âm mưu chống phá Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương giữa nước ta với một số nước có liên quan. Quán triệt phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, bám sát các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đối ngoại, Liên hiệp Hữu nghị đã thông qua tiếp xúc để giải thích, vận động, kiên quyết đấu tranh có lý, có tình tại các cuộc tiếp xúc song phương cũng như tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực trong các vấn đề biên giới, lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo...
Thách thức trước những biến động của tình hình thế giới
Trong thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tổ rủi ro và khó lường, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của nhiều quốc gia. Về tổng thể, quan hệ giữa các nước lớn có những điều chỉnh quan trọng, gia tăng hợp tác giải quyết các điểm nóng và điều hòa lợi ích chung, song cạnh tranh chiến lược và ảnh hưởng tiếp tục diễn ra gay gắt. Các phong trào nhân dân thế giới đấu tranh về dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội sẽ tiếp tục phát triển, song chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan có thể tác động và làm phân tán các phong trào này vốn đã thiếu tính tổ chức chặt chẽ.
Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các vấn đề như chạy đua vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực.
Ứng phó với thách thức, tăng cường hội nhập
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, đối ngoại nhân dân sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mình để ứng phó với những biến động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Tiếp đà của những năm trước, năm 2019 Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và đẩy mạnh toàn diện các hoạt động của công tác đối ngoại nhân dân với các nhiệm vụ cụ thể:
Tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng.
Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục thực hiện các cơ chế phối hợp nhằm đẩy mạnh quan hệ nhân dân với các nước láng giềng, ASEAN, các nước đối tác chiến lược toàn diện, bạn bè truyền thống, các nước lớn theo hướng hình thành các khuôn khổ hợp tác ổn định, thiết thực, đi vào chiều sâu. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của Việt Nam với các nước, tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ, liên hoan nhân dân cả ở cấp trung ương và địa phương với nội dung thực chất hơn nữa nhằm củng cố tình cảm hữu nghị, thái độ xây dựng, tin cậy, góp phần thúc đẩy có hiệu quả các quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực; tăng cường các cơ chế đối thoại, trao đổi thực chất, xây dựng; tiếp tục tổ chức tốt và hiệu quả hoạt động bảo trợ sinh viên Lào và Căm-pu-chia đang học tập tại Việt Nam. Với Trung Quốc, tăng cường các hoạt động thiết thực nhằm củng cố và nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tình cảm hữu nghị, xây dựng sự tin cậy, hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân hai nước; phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước đối tác.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác PCPNN:
Để tăng cường hiệu quả công tác PCPNN, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục thực hiện tốt chức năng là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN, phối hợp với các cơ quan đề xuất các biện pháp để hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả hoạt động của Ủy ban này; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để đổi mới công tác vận động viện trợ theo hướng đa dạng hóa các đối tác, phương thức vận động viện trợ.
Đặc biệt, Liên hiệp Hữu nghị tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác với các tổ chức PCPNN giai đoạn 2019 - 2025. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân PCPNN đang thực hiện chương trình, dự án tại Việt Nam, đồng thời mở rộng quan hệ với các cá nhân, tổ chức PCPNN có uy tín và tiềm năng để vận động tài trợ.
Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại:
Công tác thông tin đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân. Vì vậy, Liên hiệp Hữu nghị luôn xác định cần phải đẩy mạnh công tác này bằng nhiều phương thức, hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, nâng cao chất lượng nội dung và tính thuyết phục phù hợp với từng nhóm đối tác; tăng cường công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển đảo thông qua các hoạt động hòa bình hữu nghị với việc cung cấp thông tin cho bạn bè, đối tác về tình hình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những thông tin liên quan đến việc đảm bảo quyền con người, tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh:
Với vai trò là cơ quan chuyên trách, là lực lượng nòng cốt của công tac đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị cần được củng cố, phát triển, không ngừng đổi mới để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trên nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Năm 2019, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển các tổ chức thành viên ở trung ương và địa phương; huy động được các nguồn lực về trí tuệ và vật chất trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và đầu tư thỏa đáng cho công tác đối ngoại nhân dân ./.
Đôn Tuấn Phong
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị