Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
- Kính thưa đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
- Thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị.
Trong 68 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có những bước trưởng thành, khẳng định được vị trí, vai trò trong công tác đối ngoại nhân dân và công tác đối ngoại chung của đất nước. Với 116 tổ chức thành viên ở Trung ương và các địa phương, mạng lưới đối tác quốc tế gồm hàng nghìn các tổ chức và cá nhân tại các châu lục, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, Liên hiệp Hữu nghị đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, trong đó có nhiều hoạt động lớn, quan trọng, có ý nghĩa chính trị và hiệu quả thiết thực.
Là một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, với vai trò hậu thuẫn cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc gìn giữ môi trường hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đối ngoại nhân dân cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại chung của đất nước. Lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân không ngừng được mở rộng, phát triển.
Đối ngoại nhan dân đã có những đóng góp quan trọng trong việc tập hợp và hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc; làm cầu nối và đột phá trong việc phá bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ với các nước lớn sau chiến tranh; thúc đẩy việc mở rộng, đa dạng hóa quan hệ đối tác trong thời kỳ mở cửa và hội nhập; mở rộng mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế của Việt Nam, củng cố hình ảnh và bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy đối thoại kênh II, đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, đối thoại về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân…;
Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước thông qua kênh đối ngoại nhân dân, cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước phát triển về chiều sâu quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước quan hệ đối tác chiến lược và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; củng cố quan hệ bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam. Các phương thức hợp tác và nội dung hoạt động đa dạng, phong phú đã giúp Liên hiệp Hữu nghị phát huy vai trò để phát triển quan hệ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, huy động được lực lượng của các tổ chức đối tác trong tuyên truyền, quảng bá về một nước Việt Nam đổi mới; chủ động phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động đối ngoại chung của các tổ chức nhân dân Việt Nam như Diễn đàn Xã hội thế giới, Diễn đàn nhân dân Á – Âu, Diễn đàn nhân dân ASEAN, các hội nghị, chiến dịch quốc tế vì hòa bình, đoàn kết quốc tế..., đồng thời tích cực hỗ trợ một số đoàn thể, tổ chức nhân dân khác trong các hoạt động đối ngoại. Với chức năng là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), Liên hiệp Hữu nghị đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Từ năm 2001 đến 2017, giá trị viện trợ giải ngân đạt gần 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của ta như khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai và tăng cường năng lực hội nhập. Công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN liên tục được tăng cường, đảm bảo các yêu cầu về an ninh – chính trị.
Thưa Hội nghị,
Từ nhiều năm nay, Liên hiệp Hữu nghị rất coi trọng công tác phát triển các tổ chức thành viên ở các địa phương; đồng thời tích cực hỗ trợ các các địa phương đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường năng lực tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và thúc đẩy hợp tác phi tập trung.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
Mạng lưới Liên hiệp Hữu nghị địa phương và các cơ quan ngoại vụ địa phương, cơ quan đầu mối về công tác phi chính phủ nước ngoài đã được củng cố và mở rộng, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã có những trưởng thành về nhiều mặt, và đang trở thành lực lượng nòng cốt trong triển khai các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển; tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi văn hoá của địa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vai trò, vị trí của của các Liên hiệp Hữu nghị địa phương cùng với các cơ quan ngoại vụ ngày càng được nâng cao. Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa cơ quan ngoại vụ và tổ chức làm đối ngoại nhân dân ở cấp địa phương, trong nhiều trường hợp chính cơ quan ngoại vụ là thường trực của Liên hiệp Hữu nghị hữu nghị cấp tỉnh, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại ở các địa phương trong những năm qua.
Kính thưa các đồng chí,
Những kết quả mà Liên hiệp Hữu nghị đạt được trong thời gian qua là do những thành tựu của sự nghiệp đổi mới và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Bí thư, sự hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, của cấp ủy và đoàn thể các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Sự phối hợp giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã có bước phát triển và phát huy được hiệu quả tích cực trong việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng, trong hoạt động tăng cường đoàn kết, hợp tác hữu nghị với nhân dân các nước; trong vận động, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN và trong một số hoạt động về thông tin tuyên truyền đối ngoại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa đối ngoại nhân dân với ngoại giao Nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, chưa khai thác được lợi thế và đặc thù công tác đối ngoại nhân dân để hỗ trợ cho đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước. Vì vậy, để tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Liên hiệp Hữu nghị kiến nghị:
1. Tăng cường phối hợp, xác định cơ chế, phương thức, nội dung phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, xúc tiến việc xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan chuyên trách đối ngoại ở trung ương; Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức công tác đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân. Nghiên cứu, thúc đẩy vai trò của đối ngoại nhân dân trong những lĩnh vực mà đối ngoại nhân dân có lợi thế và có thể tham gia tích cực hơn nữa.
2. Tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức và lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương theo Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), Chỉ thị 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp Hữu nghị.
3. Quy định 03/BBT về quy trình thành lập, giải thể, bố trí nhân sự các tổ chức hữu nghị trung ương và địa phương: đề nghị quán triệt, thực hiện.
Kính thưa các đồng chí,
Nhân dịp Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương xin chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao và các đơn vị chức năng đã hướng dẫn, giúp đỡ, phối hợp hiệu quả trong những năm qua; cảm ơn cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động đối ngoại nhân dân và Liên hiệp Hữu nghị. Trong thời gian tới, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại vụ địa phương để triển khai có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại nhân dân mà Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp có hiệu quả cho công tác đối ngoại chung và sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Xin trân trọng cảm ơn./.