Đường dây nóng phòng, chống mua, bán người 18001282 do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ, được duy trì hoạt động hiệu quả tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang.
Với đặc thù của một tỉnh biên giới, tiếp giáp trên 277 km đường biên với nước bạn Trung Quốc, tỉnh Hà Giang thiết lập mối quan hệ đối ngoại với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thuộc tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây; thiết lập các cơ chế hợp tác từ T.Ư đến địa phương của Trung Quốc. Các hoạt động đối ngoại từng bước đi vào chiều sâu, có lộ trình cụ thể đã đẩy mạnh mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện với các địa phương Trung Quốc. Không dừng ở mối quan hệ này, hiện nay, tỉnh Hà Giang trở thành địa phương có mối quan hệ đối ngoại đa dạng với nhiều địa phương nước ngoài, các tổ chức quốc tế lớn.
Tiêu biểu, như: Thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Benguet (Philippines), thành phố Moriya, tỉnh Ibaraki (Nhật Bản), quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc). Đặc biệt, tỉnh còn tham gia các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương; đẩy mạnh quan hệ với Đại sứ quán các nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ, cơ quan hợp tác quốc tế nước ngoài tại Việt Nam, như: KOIC (Hàn Quốc), AFD (Pháp), JICA (Nhật Bản)… Ấn tượng hơn, tỉnh đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH địa phương và quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh.
Cùng với kết quả trên, giai đoạn 2015 – 2020, các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, thương mại quốc tế trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã đàm phán, ký kết và triển khai 85 thỏa thuận, biên bản hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…; tiếp nhận và triển khai 223 chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại (NGO) với kinh phí đã thực hiện gần 350 tỷ đồng và 21 chương trình, dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn tổ chức 25 hội nghị, hội thảo; tham dự 22 hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước; cho phép 422 đoàn/2.689 lượt cán bộ đi làm việc, học tập và khảo sát tại nước ngoài; đón tiếp 381 đoàn/3.236 lượt người nước ngoài đến thăm, làm việc chính thức tại tỉnh. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường.
Có 34/34 xã, thị trấn biên giới, 3 cặp huyện, thành phố ký kết hợp tác hữu nghị với phía đối đẳng Trung Quốc; 12/12 Đồn Biên phòng ký kết nghĩa “Đồn – Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”. Hơn nữa, tỉnh Hà Giang còn thành lập Hội hữu nghị Việt – Lào, Việt – Trung, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang; tạo thành lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Lý Thị Lan, cho biết: Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Hà Giang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng mới với 3 nhiệm vụ đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với công tác đối ngoại địa phương chính là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác để thích ứng với tình hình mới của thế giới cũng như phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển KT-XH bền vững của tỉnh. Theo Chiến lược hội nhập quốc tế tỉnh đề ra là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dựng mối quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác. Do đó, chiều sâu của hội nhập quốc tế trong thời gian tới tiếp tục được tỉnh quan tâm, thực hiện trên các lĩnh vực, như: Chính trị, QP-AN; hội nhập kinh tế, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương; hội nhập trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục…
Cũng theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Lý Thị Lan, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại thì công tác thông tin đối ngoại giữ vị trí quan trọng, góp phần tạo nên thành công chung. Do đó, tỉnh ta đã, đang tập trung tuyên truyền sâu rộng về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đến các tổ chức tài chính quốc tế, tổng công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ hợp tác, tranh thủ vận động tài trợ và thu hút đầu tư cũng như cung cấp thông tin cho khách du lịch, người nước ngoài đến tham quan, du lịch tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Phát huy vai trò đặc biệt của công tác đối ngoại, tỉnh ta tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thông qua. Trong đó, có việc chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm trong vai trò thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO; tham gia, đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế tại địa phương, nước ngoài để quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của tỉnh.
Theo Tạp chí Thời đại