(Vietpeace) Từ ngày 5 - 19/01/2016, Hội Việt - Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đón đoàn 13 người của trường Đại học Salisbury (Salisbury University), bang Maryland, Mỹ, do PGS.TS Bryan Kenji Horikami, Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật Thông tin, làm Trưởng đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Photo: TV
Chiều ngày 6/01, tại Hà Nội, Đoàn đã nghe ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương giới thiệu về Việt Nam và Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ông Bùi Thế Giang đã nhiệt liệt chào mừng và đã đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn.
Ông Bùi Thế Giang đã điểm lại những mốc son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam; đồng thời nêu một số thành tựu trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, chính sách đối ngoại, trong đó chú trọng tới quan hệ Việt – Mỹ; hậu quả chiến tranh và những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Ông Giang bày tỏ mong muốn các thành viên trong Đoàn sẽ có những đóng góp tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ trong tương lai.
Chiều ngày 7/01, Đoàn đã được nghe ông Chuck Searcy, cố vấn Dự án RENEW trao đổi về vấn đề bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, về tình hình Việt Nam ngày nay và công tác nhân đạo tại Việt Nam.
Ông Chuck Searcy giới thiệu mình là một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam. Nhưng ngay khi đến Việt Nam tham chiến, ông nhận ra Chính phủ Mỹ lúc đó đã lừa dối người dân mình và cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam là phi nghĩa. Đến với Việt Nam, ông hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam và dần cảm thông với con người nơi đây, dù điều này gây ra mâu thuẫn giữa ông với gia đình khi quay trở về Mỹ. Sau chiến tranh, Việt Nam gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội và vẫn còn gánh chịu nhiều hậu quả của chiến tranh. Mặc dù đất nước đã hòa bình nhưng bom mìn và vật liệu nổ vẫn gây ra thương vong cho người dân đến ngày hôm nay.
Năm 2001, Dự án RENEW được thành lập ở tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của Dự án là triển khai hoạt động rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ, quyên góp chân giả cho người khuyết tật vì bom mìn và giúp họ thoát nghèo, nâng cao ý thức của trẻ em tỉnh Quảng Trị về nguy cơ của bom mìn, hỗ trợ đào tạo và huấn luyện nhân viên y tế, cung cấp các thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh viện địa phương... Đến nay, Dự án đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.
Nằm trong chương trình làm việc, Đoàn còn có các hoạt động ý nghĩa khác tại Việt Nam như gặp Lãnh đạo Hội Việt - Mỹ; gặp và làm việc với Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình; lao động tình nguyện tại Hòa Bình, Làng Hữu nghị Vân Canh; thăm quan thực tế ở Hà Nội, Hòa Bình (Mai Châu), Ninh Bình (Tràng An-Tam Cốc, Bích Động), Quảng Ninh (Hạ Long) và Lào Cai (Sa Pa).