Bắt đầu từ năm 1974, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán về việc hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa hai nước. Do những nguyên nhân khác nhau nên việc đàm phán đã bị gián đoạn trong giai đoạn cuối những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ XX. Bước vào những năm 90 của thế kỷ XX, hai nước tiếp tục tiến trình này và từng bước đạt được những kết quả cụ thể. Ngày 7/11/1991, hai nước ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên đường biên giới. Ngày 19/10/1993, ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Ngày 30/12/1999, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Ngày 27/12/2001, hai bên tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc). Ngày 31/12/2008, Việt Nam và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền. Ngày 23/2/2009, hai bên long trọng tổ chức Lễ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc tại Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) và Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Ngày 18/11/2009, Chính phủ hai nước đã ký ba văn kiện là Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc. Ngày 14/7/2010, hai bên tuyên bố 3 văn kiện ký ngày 18/11/2009 chính thức có hiệu lực.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc đi qua địa bàn bẩy tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và hai tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Tây. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc có tổng chiều dài 1449,566 km, trong đó đường biên giới đi theo sông suối là 383,914 km. Hai nước đã cùng nhau cắm 1971 mốc, trong đó có 01 mốc được cắm theo Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam- Lào- Trung Quốc, 1548 mốc chính và 422 mốc phụ. Hệ thống mốc giới này cùng với các văn kiện nêu trên là cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển lâu dài giữa hai nước.
Với vị trí chức năng nhiệm vụ của mình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã có những đóng góp đáng kể vào việc tuyên truyền kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Sau khi hai nước hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, đầu tháng 6/2009, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam– Trung Quốc đã phối hợp với Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và Hội hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam tổ chức thành công Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt– Trung tại Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) và Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam). Hoạt động này đã tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai bên biên giới Việt– Trung. Trung tuần tháng 7/2010, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã cử đại diện tới thông báo về một số hoạt động nhân năm hữu nghị Việt– Trung và kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam– Trung Quốc tại Hội nghị tọa đàm về công tác tuyên truyền kết quả công tác phân giới cắm mốc Việt Nam– Trung Quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tổ chức tại tỉnh Hà Giang, giúp các đại biểu dự Hội nghị nắm được tổng thể những hoạt động mà Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiến hành trong năm hữu nghị Việt – Trung 2010.
Mỹ Anh