Danh mục
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Văn bản
  • Lịch sử truyền thống
  • Hòa bình - hữu nghị
  • Công tác PCPNN
  • Cơ quan Thường trực
  • Tổ chức thành viên ở Trung ương
  • Liên hiệp CTCHN tỉnh, thành phố
  • Biên giới - Biển đảo
  • Bạn bè năm châu
  • Đối ngoại và hội nhập
  • Tri thức chuyên sâu
  • Video
  • Hình ảnh
  • Liên hệ
Vufo.org.vn

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Hòa bình - hữu nghị
  • Công tác PCPNN
  • Tư liệu
    • Văn bản
    • Lịch sử truyền thống
  • Liên hệ
  • Copy link
  • Trang chủ
  • Chuyên đề
  • Đại hội VI (2019 - 2024) Liên hiệp CTCHN Việt Nam
11/12/2019, 11:47 AM

“Duy trì và mở rộng chương trình “Ươm mầm Hữu nghị” bằng các hình thức xã hội hóa”

VUFO - Trong những năm vừa qua, chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã đạt được kết quả hết sức tích cực, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Đại tá Nguyễn Dĩnh trình bày tham luận “Duy trì và mở rộng chương trình “Ươm mầm Hữu nghị” bằng các hình thức xã hội hóa”. Chúng tôi xin đăng toàn văn bài phát biểu của Đại tá Nguyễn Dĩnh.

Quang cảnh Đại hội (ảnh: Tuấn Việt)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

          Kính thưa các vị khách quý,

Thưa Đại hội,

Trước hết cho phép tôi thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia trân trọng gửi đến các vị khách quý và toàn thể Đại hội lời chúc sức khỏe. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Tôi cũng bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Đoàn Chủ tịch và những ý kiến tham luận của các đại biểu.

Đại tá Nguyễn Dĩnh phát biểu (ảnh: Tuấn Việt)

Được Đoàn Chủ tịch cho phép, được sự phân công của lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, tôi rất vinh dự được trình bày Tham luận tại Đại hội.

          Từ thực tiễn hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, tôi xin trình bày tham luận chủ đề "Duy trì và mở rộng chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" bằng các hình thức xã hội hóa” trong hoàn cảnh kinh phí hoạt động Hội còn hạn chế.

Trước khi đi vào vấn đề này, tôi xin tóm lược qua về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua:

Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành lập năm 1975. Chủ tịch đầu tiên là đồng chí Phan Trọng Tuệ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1983, đồng chí Vũ Mão, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tiếp sau đó từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội làm Chủ tịch cho đến nay. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tiếp tục phát triển mạng lưới tổ chức Hội ở các địa phương và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Đến nay trong toàn quốc đã có 39 tỉnh, thành thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, tăng gấp đôi so với 10 năm trước đây. Mỗi tỉnh, thành Hội lại có hàng chục Chi hội thu hút hàng ngàn hội viên trong đó có nhiều cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Đây là lực lượng nòng cốt rất quan trọng trong công tác hữu nghị nhân dân Việt Nam Campuchia.

Hội cũng đã thành lập được 10 đơn vị trực thuộc bao gồm Hội Cựu chuyên gia, Hội cựu quân tình nguyện,Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Hội Chùa Tháp, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Trung tâm ngoại ngữ tiếng Khmer.

Ban chấp hành Trung ương Hội có trên 100 vị, với thành phần đa dạng gồm các cựu chuyên gia, các doanh nghiệp doanh nhân, cựu quân tình nguyện, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa xã hội… đã nghỉ hưu, các vị chức sắc Phật giáo.

Bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động của mình, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến các hoạt động giao lưu, gặp gỡ hữu nghị, mít tinh nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của nước Bạn và những sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước; các hoạt động có quy mô lớn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hai nước tham gia như Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Campuchia (đã tổ chức được 4 lần); các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa như tổ chức các đoàn cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam tại Canpuchia và thân nhân liệt sĩ thăm Campuchia và đón các đoàn công dân, cựu chiến binh Campuchia, những người từng chở che, giúp đỡ và kề vai sát cánh quân tình nguyện Việt Nam; các hoạt động từ thiện nhân đạo: tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo Campuchia, tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa cho cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia có hoàn cảnh khó khăn; và hoạt động chăm sóc, đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam... Các hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia. Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng những phần thưởng cao quý cho Hội. Hội đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba (2015), nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong ‘Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Sau đây, tôi xin phép được đi vào chi tiết chủ đề "Duy trì và mở rộng chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" bằng các hình thức xã hội hóa".

Trước hết, tôi xin giới thiệu sơ qua về xuất phát điểm và quá trình triển khai chương trình này từ năm 2012 đến nay.

Việt Nam và Campuchia có quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống khăng khít, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp qua quá trình lịch sử, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Lãnh đạo hai nước khẳng định cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, phát triển quan hệ hai nước lên những tầm cao mới trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân với Campuchia, Hội  hữu nghị Việt Nam – Campuchia luôn ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong việc góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới đối tượng lưu học sinh Campuchia đang học tập tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Họ là những lực lượng quan trọng sẽ tiếp nối vun đắp và phát huy mối quan hệ giữa nhân dân hai nước trong tương lai. Chúng tôi được biết, các em học sinh, sinh viên Campuchia sang học tập tại Việt Nam phần lớn là các em có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Ở nước ta, điều kiện cung cấp cho các lưu học sinh về cả đời sống vật chất và tinh thần còn hạn chế; học bổng cho các em còn thấp. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia năm 2011, đồng chí Vũ Xuân Hồng, khi đó là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã gợi ý Hội nên giúp đỡ các lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, giống như một số nước Cuba, Đông Âu trước kia đã làm với lưu học sinh Việt Nam. Sau đó, nhằm mục đích tạo cơ hội cho các sinh viên Campuchia thực tập tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người và văn hóa Việt Nam, từ đó tự tin hơn trong cuộc sống và học tập tại Việt Nam; qua đó góp phần vun đắp và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia, Hội đã đề xuất việc đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam và được Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam tích cực ủng hộ. Tháng 2/2012, để mở đầu cho đợt hoạt động kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2012 và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2012), Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã phát động chương trình “Ươm mầm Hữu nghị”.

Để triển khai chương trình "Ươm mầm Hữu nghị", tháng 2/2012, Hội đã lập kế hoạch triển khai thí điểm mô hình gia đình Việt Nam (chủ yếu là các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam từng tham gia công tác, chiến đấu tại Campuchia) nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam.

Tháng 12/2016, Hội đã xây dựng Đề án tổ chức chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" giai đoạn 2017-2021 nhằm đánh giá kết quả thực hiện từ năm 2012 đến cuối năm 2016, đồng thời xây dựng kết hoạch mở rộng chương trình tại các tỉnh phía Nam với phần kinh phí đề nghị Bộ Tài chính cấp cho mỗi năm 500.000.000 đồng. Ban Bí thư đã hoan nghênh, đánh giá cao sáng kiến của Hội và đề nghị tiếp tục phát huy, nhân rộng sáng kiến ngày bằng nguồn xã hội hóa.

Để triển khai thực hiện, trước tiên, Hội lập kế hoạch về số lượng và thành phần lưu học sinh Campuchia tham gia chương trình, đề nghị Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Campuchia cung cấp danh sách. Sau đó, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Campuchia gửi hồ sơ lưu học sinh Campuchia (kèm sơ yếu lí lịch) cho Hội. Hội lựa chọn dựa trên các tiêu chí: ưu tiên lưu học sinh năm thứ 1, thứ 2 còn chưa thông thạo tiếng Việt; ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, lưu ý đa dạng số lượng trường học… Hội đề nghị các gia đình, tổ chức đăng ký nhận đỡ đầu và ra quyết định phân bổ, tổ chức gặp mặt.

Ngay từ khi phát động, với sự phối hợp tích cực của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, tại đợt đầu tiên đã có 14 gia đình các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ từng có thời gian công tác ở Campuchia và một số cán bộ Trung ương Hội nhận đỡ đầu 49 em sinh viên Campuchia.

Chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" giai đoạn đầu chỉ được thực hiện ở phía Bắc (Hà Nội và tỉnh Thái Bình). Đến năm 2016, Hội đã chỉ đạo Văn phòng phía Nam của Hội ở thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số đơn vị Hội, nhà chùa, doanh nghiệp nhận đỡ đầu tập thể, tặng quà, tặng học bổng thăm hỏi các cháu nhân các ngày lễ tết. Các em sau khi về nước đa số đều giữ mối liên hệ tốt với các gia đình nhận đỡ đầu; thường xuyên thông báo những việc quan trọng trong cuộc sống và công việc, hỏi thăm tình hình của gia đình đỡ đầu. Nhiều em mời gia đình đỡ đầu sang thăm Campuchia.

Hiện nay Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia một số tỉnh, thành phố phía Nam đã bắt đầu triển khai công tác đỡ đầu. Cụ thể, Hội thành phố Hồ Chí Minh nhận đỡ đầu 21 em lưu học sinh Campuchia. Hội thành phố Cần Thơ đỡ đầu 14 em; cha mẹ đỡ đầu hầu hết là cựu chuyên gia, cựu chiến binh trong Ban chấp hành Hội và doanh nghiệp. Tại tỉnh Đồng Nai, Thiền viện Phước Sơn nhận đỡ đầu tập thể 28 em. Với các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Cà Mau…, tuy chưa có điều kiện tổ chức đỡ đầu, Hội đã phối hợp với các sở ngành, cơ quan trong tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu, tặng quà, học bổng cho các em lưu học sinh Campuchia học tập trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia được thực hiện dưới các các hình thức sau:

Hình thức đỡ đầu trực tiếp (tại các gia đình): Đây là hình thức các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, cán bộ Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia và các Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở các địa phương…  nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia. Các gia đình coi các em như thành viên trong gia  đình, quan tâm đến tình hình học tập và sinh hoạt của các em. Các gia đình tùy theo điều kiện của mình và của các em, thu xếp đón các em về nhà theo từng thời điểm cụ thể cùng sinh hoạt trong không khí gia đình ấm cúng.

Đỡ đầu tập thể (tại các cơ sở Hội, doanh nghiệp, tổ chức): Các tổ chức Hội cơ sở, các doanh nghiệp, nhà chùa, nhận đỡ đầu một tập thể sinh viên Campuchia đang học tại nhà trường bằng cách thăm hỏi động viên các cháu sinh viên có nhiều khó khăn, hoặc khi ốm đau; hỗ trợ nhà trường có thêm trang thiết bị tạo điều kiện cho sinh viên học tập. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các Chùa Phổ Minh (quận Gò Vấp), Chùa Huyền Trang (quận Nhà Bè), Chùa Giác Ngộ thường xuyên tổ chức mời các em sinh viên Campuchia về giao lưu, gặp gỡ và cầu nguyện cho cho gia đình các em được bình an đất nước thanh bình và xã  hội phát triển.

Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia thường xuyên phối hợp với các trường nơi quản lý các em học tập, ăn, ở, sinh hoạt như: Trường Đại học Y Dược, Trường Dự bị Đại học, Đại học Hàng Không, Đai học Thể dục thể thao, Đại học Y Dược Phạm Ngọc Thạch… tìm hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các em trong quá trình học tập, nhằm chấn chỉnh kịp thời những khó khăn mà các em chưa tiện bộc lộ với người đỡ đầu. Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Câu lạc bộ đã ủng hộ các em 5 triệu đồng và vận động một cha đỡ đầu là bác sĩ Bình tặng thêm 5 triệu đồng để các em tổ chức một cái tết vui vẻ, ấm cúng.

- Tại các gia đình: Các gia đình tùy theo điều kiện đón các em về nhà cùng sinh hoạt trong không khí gia đình ấm cúng, động viên, giúp đỡ các em bằng những việc làm thiết thực; tổ chức cho các em đi tham quan để mở rộng thêm tầm nhìn và có cái nhìn tổng quan về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam; một số gia đình đã sang Campuchia dự lễ kết hôn của các em.

- Tại các cơ sở Hội, doanh nghiệp, nhà chùa:

+ Trung ương Hội và Hội các địa phương tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ hữu nghị, đặc biệt là các hoạt động giao lưu quy mô lớn, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân hai nước và các thành phần liên quan như cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia, thế hệ trẻ hai nước, doanh nghiệp…Các hoạt động này nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo sự kết nối lực lượng giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.

+ Các cấp Hội tổ chức cho các em lưu học sinh Campuchia và các gia đình đỡ đâu đi tham quan địa phương, di tích lịch sử, văn hóa, các cơ sở kinh tế, xã hội…(lưu ý đến các địa danh mang tính giáo dục, có yếu tố lịch sử cách mạng, liên quan đến đất nước Campuchia và mối quan hệ hai nước..). Thông qua việc tham quan các địa danh và giao lưu với cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia ở địa phương, các em lưu học sinh Campuchia được tìm hiểu văn hóa, lịch sử, sự phát triển của Việt Nam cũng như hiểu thêm về quan hệ Việt Nam – Campuchia.    

+ Các cấp Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tham gia kiến nghị về chính sách đối với lưu học sinh bằng cách đóng góp ý kiến với các Bộ, Ban, Ngành có liên quan đến trách nhiệm đào tạo chăm sóc lưu học sinh Campuchia.

Kể từ khi thực hiện đến nay, qua 5 đợt ở miền Bắc đã có gần 300 em được đỡ đầu; qua 6 đợt ở miền Nam đã có 132 em được đỡ đầu trực tiếp.

Ngay từ khi triển khai thực hiện, chương trình Ươm mầm Hữu nghị đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm ủng hộ. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao và ủng hộ hoạt động có ý nghĩa này. Quốc vương Campuchia Xihamoni rất hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến này của Hội. Ngài coi đây là nhịp cầu hữu nghị lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2019), Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã dành một buổi để nghe Lãnh đạo Trung ương Hội báo cáo dự thảo Đề án “ Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2017- 2021. Ban Bí Thư hoan nghênh và đồng ý về chủ trương về việc mở rộng việc đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia và cả lưu học sinh Lào bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Hoạt động Ươm mầm hữu nghị là một hoạt động có ý nghĩa, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa gia đình đỡ đầu với các em lưu học sinh Campuchia. Người đỡ đầu và lưu học sinh Campuchia đều xem mối quan hệ này như  trong một đại gia đình có sự yêu thương đùm bọc, vừa là cha mẹ, vừa là người thân yêu, vừa là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia. Đa số các em sinh viên Campuchia sau khi về nước vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình đỡ đầu.

Các em lưu học sinh Campuchia tham gia đỡ đầu có cơ hội để thực tập tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người văn hóa Việt Nam, từ đó hòa nhập và tự tin hơn trong cuộc sống và học tập tại Việt Nam cũng như có tình cảm gắn bó, thân thiết hơn với Việt Nam. Khi về nước lực lượng này sẽ đóng góp cho sự nghiệp phát triển của  đất nước bạn cũng như vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Nhìn chung chương trình "Ươm mầm hữu nghị" có nhiều điểm thuận lợi là nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của Lãnh đạo cấp cao, sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, sự tiếp nhận của các cá nhân, đơn vị đỡ đầu và sự tham gia nhiệt tình của các em lưu học sinh Campuchia.

Từ khi thực hiện đến nay, kinh phí cho việc phát động và thực hiện chương trình “Ươm mầm hữu nghị” chủ yếu là do vận động tài trợ nên còn hạn chế. Vì vậy các hoạt động còn ít, kể cả việc mở rộng diện các gia đình nhận đỡ đầu. Khó khăn kinh phí là khó khăn lớn nhất của Hội để thực hiện chương trình này.

Trước tình hình trên, Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhiều hình thức xã hội hóa để duy trì và mở rộng chương trình "Ươm mầm Hữu nghị". Cụ thể như sau:

- Trong công tác Ươm mầm Hữu nghị, việc ký chương trình phối hợp công tác với các cơ quan đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực ủng hộ Quỹ Ươm mầm Hữu nghị của Hội. Nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2017), hai bên đã phối hợp tổ chức trao 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho 20 sinh viên Campuchia có thành tích học tập xuất sắc.

- Hội có quan hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công thương… trong giải quyết các công việc liên quan đến lưu học sinh Campuchia. Hàng năm, Lãnh đạo Hội đều đến dự Đại hội lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, lắng nghe những ý kiến của các em về những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Những vấn đề liên quan đến các Bộ, Hội đều gặp trực tiếp đề nghị xem xét giải quyết cho lưu học sinh. Ví dụ, theo Hiệp định ký kết giữa chính phủ Việt Nam với chính phủ Campuchia thì sinh hoạt phí của cácem được hưởng hàng tháng là 100 USD, nhưng các em chỉ được lĩnh 1.870.000 đồng/tháng là chưa đúng với tỉ giá hiện thời. Sau khi làm việc với các Bộ hữu quan, sinh hoạt phí của các cháu đã được nâng lên trên 2 triệu đồng/tháng, đảm bảo tỷ giá hối đoái hợp lý.

Tôi xin lấy một ví dụ nữa: Năm 2014, Hội nhận được Thư đề nghị của Đoàn Lưu học sinh Campuchia tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các em cho biết, theo quyết định mới của Trường, Nhà trường không tổ chức thi lại, chỉ tổ chức thi một lần và sinh viên sẽ phải học lại nếu điểm thi không đạt yêu cầu hoặc để nâng cao điểm. Số tiền học lại đối với một tín chỉ là 260.000 đồng; một môn học có từ 1 đến 4 tín chỉ. Quy định này áp dụng với cả các lưu học sinh Campuchia đang theo học tại Nhà trường. Vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý học tập của các em vì với vốn tiếng Việt hạn chế, các em gặp khó khăn trong việc học tập và rèn luyện; dẫn tới kết quả học tập không được tốt. Hơn nữa, các em đã tìm hiểu và được biết, lưu học sinh Campuchia đang học tại các trường Đại học khác đều không phải đóng tiền học lại. Ngay sau đó, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã có công văn đề nghị Ban Giám hiệu Trường Đại học Kiến trúc tạo điều kiện xem xét nguyện vọng của các em. Kết quả, Lãnh đạo Nhà trường đã đồng ý với kiến nghị của Hội. Sau sự việc này, các em lưu học Campuchia trường Đại học Kiến trúc rất biết ơn sự quan tâm, tận tình của Lãnh đạo Hội.

Vận động các nhà hảo tâm, các thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Capuchia,  các nhà chùa, các gia đình, cá nhân ủng hộ bằng nhiều hình thức: giúp vật chất, giúp phương tiện, giúp địa điểm để triển khai hoạt động Ươm mầm Hữu nghị

-  Hội đã lập “Quỹ Ươm mầm Hữu nghị" nhằm duy trì và mở rộng chương trình đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam. Quỹ đã nhận được sự ủng hộ của một số tổ chức và cá nhân như: Công ty Phát triển Du lịch Quốc tế Phượng Hoàng, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Thượng tọa Thích Nhật Từ , Quỹ đạo Phật ngày nay, đồng chí Đào Xuân Cần, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và  nhiều Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, các mạnh thường quân khác.

- Các gia đình nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đa số là cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam tại Campuchia; một số là thành viên Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia trên tinh thần tự nguyện, hầu như không được hỗ trợ về tài chính để đỡ đầu các em lưu học sinh Campuchia.

- Câu lạc bộ Doanh nghiệp khuyến khích vận động các doanh nghiệp hưởng ứng chương trình Ươm mầm Hữu nghị, đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia đang học các trường Đại học và Cao đẳng tại thành phố Hồ Chí Minh, qua đó gắn kết hoạt động kinh tế và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, gắn kết hoạt động hữu nghị.

+ Với hơn 100 em lưu học sinh Campuchia được đỡ đầu tại thành phố Chí Minh, 2/3 cha mẹ đỡ đầu là doanh nhân thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp, Chùa Phổ Minh nhận đỡ đầu tập thể. Nhiều cha mẹ đỡ đầu là doanh nhân như ông Nguyễn Đình Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Quân Đạt, ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Công ty Huy Thước, ông Nguyễn Hữu Cứ, Giám đốc Công ty Hương Trang…ngoài việc thường xuyên chăm sóc các em về tinh thần, vật chất, còn tạo cơ hội cho lưu học sinh Campuchia được thực tập và làm việc tại công ty của họ sau khi các em ra trường.

+ Vận động các doanh nghiệp, Công ty Đường sách thành phố Hồ Chí Minh, Chùa Phổ Minh, Chùa Giác Ngộ, Bảo tàng chứng tích chiến tranh hỗ trợ tổ chức Ngày hội Ươm mầm Hữu nghị tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1/2019.

+ Vận động một doanh nghiệp vận tải hành khách thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp hỗ trợ tiền xe cho các em sinh viên Campuchia 100.000 đồng/cháu/lần.

- Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia đã thành lập Ban vận động tài trợ công tác Ươm mầm hữu nghị. Nhân dịp 65 năm Quốc khánh Campuchia (9/11/1953-9/11/2018), Chùa Phổ Minh đã tặng 23 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho lưu học sinh Campuchia được đỡ đầu.

Đề nghị chính quyền các địa phương và tỉnh, thành Hội phối hợp tổ chức đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại các địa phương

-  Hội đã đề nghị Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho chủ trương và kinh phí để các tỉnh, thành Hội tổ chức đón tiếp các đoàn Trung ương Hội, Đại sứ quán và lưu học sinh Campuchia được đỡ đầu đi giao lưu với cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia kết hợp tham quan, thực tế tại các địa phương. Với các chuyến đi này, ngân sách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hỗ trợ phương tiện đi lại; ngân sách địa phương chi mời cơm, quà tặng cho lưu học sinh, chi phí tham quan…

- Hội đã đề nghị Lãnh đạo tỉnh Thái Bình quan tâm, ủng hộ để Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh Thái Bình nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đang học tập tại trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, Phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán lựa chọn đối tượng được đỡ đầu.

Thứ hai, Lựa chọn những đơn vị, cá nhân nhiệt tình trách nhiệm, có nhiều điều kiện thuận lợi để giao đỡ đầu.

- Các gia đình đang sống tại các khu dân cư gần các trường Đại học hoặc không quá xa địa điểm học tập của sinh viên và có an ninh khu vực tốt vv…; các gia  đình có nhiều thành viên cùng độ tuổi với lưu học sinh Campuchia, có nhiệt huyết và điều kiện để sinh viên Campuchia có nhiều cơ hội được giao lưu, trao đổi ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam với các thành viên trong gia đình.

- Các gia đình có thành viên là cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia, có người biết tiếng Khơme, là thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia Trung ương hoặc địa phương, hoặc thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia.

Thứ ba, Đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ bằng hình thức xã hội hóa.

- Huy động từ các nguồn trong xã hội (nhà chùa, doanh nghiệp, địa phương, các gia đình, mạnh thương quân…) để đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình.

Thứ tư, Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đỡ đầu, chia sẻ kinh nghiệm của những tập thể và cá nhân có nhiều kinh nghiệm trong công tác này.

- Lập và lưu hồ sơ của từng gia đình và sinh viên Campuchia tham gia chương trình để tiện việc theo dõi.

- Tổ chức gặp mặt gia đình và sinh viên Campuchia vào các dịp lễ, tết của hai nước.

-  Tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác đỡ đầu để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.

Thứ năm, Nghiên cứu hình thức giao lưu giữa gia đình đỡ đầu với gia đình bố mẹ các cháu qua thư, qua điện  thoại, qua gặp gỡ tiếp xúc.

Về phương hướng thực hiện

Hội tiếp tục làm đầu mối, là đơn vị chỉ đạo chương trình “Ươm mầm hữu nghị” nhằm thực hiện mục tiêu chăm lo, giúp đỡ các sinh viên, Campuchia đang học tập tại Việt Nam trong việc hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Tiếp tục nâng cao nhận thức trong các cấp Hội, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân về công tác Ươm mầm Hữu nghị.

Tổ chức nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin, hướng dẫn triển khai công tác Ươm mầm Hữu nghị ở các cấp Hội nhằm mở rộng chương trình trong toàn quốc.

Vận dụng các hình thức xã hội hóa để bảo đảm nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động đỡ đầu.

Nghiên cứu, tìm tòi nhằm đa dạng hóa hình thức hoạt động đỡ đầu theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Kính thưa Đại hội,

Bằng các hình thức xã hội hóa, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã duy trì và ngày càng mở rộng hoạt động đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia trên phạm vi toàn quốc. Tại Đại hội này, qua đây, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ về chủ trương của các cấp Lãnh đạo và sự giúp đỡ về tài chính của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để chúng tôi có thể tổ chức tốt hơn hoạt động này trong thời gian tới, góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.  

Xin trân trọng cảm ơn.

Tuấn Việt (ghi)

                    

 

Tiêu điểm
Tin đọc nhiều
Tin liên quan

Mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả của nền đối ngoại toàn diện

Một số hình ảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Phối hợp chặt chẽ giữa Đối ngoại Đảng và Đối ngoại nhân dân hoàn thành các nhiệm vụ đối ngoại

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Vận động bạn bè quốc tế tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn Thủ đô

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ VIỆT NAM

Trụ sở: 105A, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: +84.24. 3845 6303; Email: vufo.vufo@gmail.com
Bản quyền thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Top