Trở về “Nguồn cội” với Trịnh
Không riêng gì người dân Huế mà khán giả khắp cả nước và kiều bào nước ngoài đều đam mê các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Mỗi khi có chương trình nghệ thuật âm nhạc của Trịnh, người người lại đổ xô, chen chúc nhau đi nghe. Lần này, những ca khúc của ông sẽ được gửi đến công chúng qua các ca sĩ nổi tiếng, như: cô bống Hồng Nhung, Lệ Quyên, Đức Tuấn, Ngọc Mai, Lân Nhã, Tấn Sơn… cùng các nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh, nghệ sĩ trống Trọng Nhân…
Chương trình biểu diễn tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Festival Huế 2016
Đêm nghệ thuật âm nhạc với chủ đề “Nguồn cội”, để Trịnh trở về với quê hương, trở về với những tình cảm dung dị đời thường của kiếp người. Đêm nhạc sẽ giới thiệu đến khán giả những ca khúc về quê hương, thân phận, tình yêu với phố, ru, ca khúc Da vàng,… với 13 đoản khúc và sẽ được tóm gọn đầy đủ nhất trong một chữ “Thiền”. “Thiền” của Trịnh Công Sơn không phải là một giải pháp để chạy trốn mà chính là lời kêu gọi con người thương yêu nhau, lại gần với nhau và chỉ có tình yêu mới là lối thoát cho tất cả những tâm hồn khổ đau.
Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đơn vị chính đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật “Nguồn cội”, cũng là tưởng nhớ 17 năm Trịnh đã rời cõi tạm. Không gian công viên Phu Văn Lâu với quy mô dành cho khoảng 20.000 khán giả sẽ hứa hẹn một đêm đầy cảm xúc với trở về “Nguồn cội” của Trịnh.
Theo Ban Tổ chức (BTC) Festival Huế, đêm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, Ban Tổ chức chỉ hỗ trợ một phần chi phí nhỏ để các nghệ sĩ đi lại. Vé xem chương trình nghệ thuật này được phát miễn phí trước một tuần diễn ra sự kiện, tại trụ sở của Trung tâm Festival Huế (số 1 Phan Bội Châu, TP Huế), Trường Đại học Y Dược Huế, và Kstore Anh Khoa (số 8 Nguyễn Huệ, TP Huế). Những khán giả ở xa có thể đăng ký nhận vé miễn phí qua mạng.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2018 cho biết: Các chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn tại các kỳ Festival Huế đều được đón nhận sự hưởng ứng, tham gia của rất đông khán giả. Năm 2016, nhiều khách mời của chương trình lại không có được chỗ ngồi do khán giả quá đông, và chen giành luôn cả hàng ghế của khách mời. Nhiều người khi đến đêm nhạc không có chỗ để ngồi đành ngậm ngùi quay về. Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết: Từ bài học của Festival Huế 2016, năm nay BTC đã làm việc rất kỹ với đơn vị tổ chức đêm nhạc và lực lượng an ninh nhằm có sự phối hợp chặt chẽ, có phương án kịch bản phù hợp, phân luồng khán giả, tránh những hình ảnh lộn xộn và mất trật tự trong đêm nghệ thuật này.
Mặc dù chương trình biểu diễn chính của đêm nhạc “Nguồn cội” sẽ bắt đầu từ 19 giờ ngày 28.4, nhưng BTC sẽ mở cửa từ 17 giờ để người hâm mộ nhạc Trịnh có cơ hội giao lưu và tham gia vào các hoạt động âm nhạc cộng đồng.
Đông đảo khán giả yêu mến đến với đêm nhạc Trịnh Công Sơn (tại Festival Huế 2016)
Tôn vinh giá trị văn hóa của Phật giáo qua “Tỏa sáng niềm tin”
Tại Festival Huế 2016, lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức một lễ hội “Quảng Chiếu” nằm trong chương trình IN. Chương trình đã thu hút hàng vạn tăng ni, phật tử và công chúng tham gia.
Với lịch sử lâu đời của một trung tâm Phật giáo của cả nước, Huế hiện vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đạo Phật cần được bảo tồn và phát huy. Trong kỳ Festival Huế 2018, với hình thức xã hội hóa hoàn toàn, một lễ hội của Phật giáo với chủ đề “Tỏa sáng niềm tin” cũng sẽ được tổ chức tại công viên cầu Dã Viên, ven sông Hương vào tối ngày 1.5.2018. Lễ hội có hai phần chính: Biểu diễn nghệ thuật âm nhạc và múa của Phật giáo; cùng lễ cầu nguyện Quốc thái dân an. Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, nghệ thuật múa của Phật giáo chính là nguồn gốc của múa lục cúng hoa đăng trong cung đình nhà Nguyễn thời xưa. Cho nên trình diễn và tôn vinh loại hình nghệ thuật này cũng góp phần tôn vinh di sản phi vật thể của Huế.
Hòa thượng Thích Huệ Phước, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại các kế hoạch về kịch bản chương trình lễ hội đã được hoàn tất, đặc biệt là chương trình đã nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ của cộng đồng phật tử khắp nơi. Theo hòa thượng Thích Huệ Phước, điểm nhấn của chương trình là biểu diễn nghệ thuật thắp ánh sáng với hình thức thủ công. Nhiều tăng ni, phật tử sẽ xếp hàng và truyền tay nhau những ngọn đèn này từ phía lễ đài chính xuống đến bờ sông Hương để thả đèn. Dự kiến chương trình sẽ thắp sáng và thả xuống sông Hương khoảng 30.000 ngọn đèn, mang ý nghĩa mong muốn đưa ánh sáng của nhà Phật đến với mọi người, đó là ánh sáng của tuệ giác. Nơi nào có ánh sáng tuệ giác thì nơi đó có hạnh phúc, có tình yêu thương…
Trong khuôn khổ của chương trình “Tỏa sáng niềm tin”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ và kỷ niệm “25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh và 15 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể”.
Festival Huế lần thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 27.4 - 2.5.2018 với chủ đề: “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển - Huế, 1 điểm đến 5 di sản”. Năm nay, BTC mong muốn mang đến sự mới mẻ, hiện đại đến cho Festival, thông qua nhiều tiết mục đương đại, nhằm thu hút các khán giả trẻ khao khát khám phá điều mới lạ.
Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tham gia Festival Huế 2018
Với mong muốn mang đến sắc màu mới mẻ cho Festival Huế 2018, phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam sẽ tham gia kỳ Festival năm nay với chương trình nghệ thuật trình diễn đặc sắc “Miệng Núi Lửa số 6899” do nghệ sĩ đến từ Wallonie-Bruxelles, bà Gwendoline Robin và nhiếp ảnh gia Jorge de la Torre Castro trình diễn.
Theo nghệ sĩ Gwendoline Robin, “Miệng núi lửa số 6899” là màn nghệ thuật trình diễn đề cập đến yếu tố chính là Nước. Đây là một màn nghệ thuật trình diễn được lấy cảm hứng từ khoa học, đặc biệt là thiên văn học và địa chất, tái tạo lại các câu chuyện mô tả các sự kiện gây biến đổi và hình thành một số cảnh quan thông qua hình ảnh và âm thanh. Màn trình diễn sẽ kéo dài khoảng trên dưới 30 phút.