Văn hóa Việt được bạn bè đánh giá cao
Buổi sáng một ngày cuối tháng ba, đoàn khách quốc tế gồm các đại sứ, đại diện ngoại giao, các tổ chức hữu nghị quốc tế… trên địa bàn Hà Nội có mặt ở huyện Đông Anh trong chương trình Du xuân hữu nghị 2018. Điểm đến của chương trình năm nay là Cổ Loa và làng múa rối nước Đào Thục. Bởi, ban tổ chức muốn giới thiệu với các bạn quốc tế về quần thể di tích lịch sử chứa đựng cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang được lưu giữ ở Đông Anh. Cổ Loa gắn với lịch sử giữ nước, gắn với huyền thoại về ý chí quật cường của dân tộc Việt. Còn với làng múa rối nước Đào Thục, trong khung cảnh đồng quê Bắc Bộ đặc trưng, bạn bè quốc tế được nghe, xem tài hoa của những “nghệ sĩ” nông dân Việt Nam.
Bà Sharon Thomason, đại diện Tổ chức từ thiện LDS cho hay: "Điều thu hút tôi nhất là người Việt Nam rất thân thiện, duyên dáng, thông minh. Nhân dân Việt Nam đã cho thế giới thấy giá trị về một đất nước luôn sẵn sàng đứng lên. Trong chương trình du xuân này, tôi thích nhất Cổ Loa. Chúng tôi được chiêm ngưỡng và nhận thấy rằng các bạn đang lưu giữ một di sản đáng giá. Tôi đã ở Hà Nội 14 tháng rồi, nhưng đây là cơ hội giúp chúng tôi có được những trải nghiệm khác về đất nước các bạn. Với tôi, trải nghiệm này rất đáng quý. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu bạn bè của mình tới đây".
Một cách quảng bá văn hóa Việt hiệu quả
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin V.Vnukov lại quan tâm tới những nét văn hóa truyền thống của người Việt. Cầm miếng trầu têm cánh phượng sau bài quan họ “Mời trầu”, ông chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được đến thăm thành Cổ Loa và cũng là lần đầu được trải nghiệm xem rối nước tại thủy đình làng Đào Thục. Đây không chỉ là môn nghệ thuật dành cho trẻ em mà người lớn cũng cảm thấy rất sinh động. Các tiết mục mô phỏng cuộc sống đời thường của người nông dân cùng sự xuất hiện của những nhân vật giả tưởng như rồng, phượng thật mới mẻ đối với tôi, giúp tôi hiểu thêm về văn hóa làng quê, đời sống tâm linh và con người Việt Nam".
Múa rối nước Đào Thục hấp dẫn các đại biểu quốc tế.
Nhận cây bút bằng gỗ của làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ mỹ nghệ Vân Hà do ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh trao tặng đoàn, ngài Jorge Rondon Uzcategui, Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam, chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc được tham gia chương trình du xuân hữu nghị. Chúng tôi rất xúc động trước chương trình đầy ý nghĩa này. Đây là cơ hội để chúng tôi làm quen với nhiều người, nhiều vẻ đẹp văn hóa của các bạn. Hà Nội không chỉ có những tòa nhà to, hoành tráng mà còn nhiều nét tươi đẹp khác, nhờ những chuyến đi này chúng tôi mới biết đến. Không chỉ tôi mà những đại biểu quốc tế có mặt hôm nay càng hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như của mảnh đất Thăng Long nói riêng".
Tiếp tục cải thiện du lịch để hút khách quốc tế
Du xuân hữu nghị đã trở thành một hoạt động đối ngoại nhân dân truyền thống được tổ chức trong nhiều năm qua. Hà Nội đã cho bạn bè thấy những nỗ lực không ngừng, thể hiện mong muốn một nền hòa bình cho nhân loại, cho tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các dân tộc trên thế giới, bắt đầu từ việc đóng góp, xây dựng hình ảnh Hà Nội-thành phố vì hòa bình, điểm đến an toàn và thân thiện của bạn bè khắp năm châu. Sau 20 năm tổ chức, chương trình thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài, đặc biệt là các nhà ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam... Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội cho biết: "Có một điều rất vui là cứ đến đầu năm các bạn lại chia sẻ rằng đang hồi hộp chờ đợi chuyến du xuân mới và thường hỏi trước chúng tôi năm nay đi đâu. Họ coi đây là một sân chơi để khám phá Việt Nam và Thủ đô. Thông qua hoạt động du xuân của chúng tôi, họ sẽ tuyên truyền cho nhân dân nước mình về những điểm đến đó".
Những quan tâm trên cho thấy, du xuân hữu nghị trở thành chương trình thường niên được bạn bè quốc tế ghi nhận. Để phát huy hơn nữa những kết quả chương trình đạt được, đồng thời để du lịch huyện Đông Anh phát triển và giữ chân du khách lâu hơn, theo ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô Hà Nội, xung quanh các điểm di tích cần phát triển thêm những sản phẩm du lịch như đạp xe, xây dựng thêm các quần thể du lịch sinh thái, vườn cây mang đặc trưng Đồng bằng sông Hồng để du khách được trải nghiệm làm vườn, đánh bắt cá…