Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn. Theo báo cáo điều tra, khảo sát của các tỉnh thành và 6 tỉnh miền Trung, bản đồ ô nhiễm được công bố thì hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn, vật nổ chiếm trên 6,1 triệu ha (chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước). 49/63 tỉnh thành xảy ra tai nạn thương tích do bom mìn. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính và trẻ em. Thời gian qua đã có 1813 trường hợp bị tai nạn do bom mìn, tỉ lệ thương vong là 51 %, có 919 người chết, 894 người bị thương. Một số địa phương có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn lớn như: Quảng Bình, Bình Định, Trà Vinh, Thừa Thiên- Huế, Bình Dương, Quảng Trị…
Các tình nguyện viên hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn
Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 701/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701).
Nhiệm vụ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian tới tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật sau khi Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được ban hành và có hiệu lực.
Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNMAS… đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom mìn… Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, những năm qua, cộng đồng các nhà tài trợ Quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã có những hỗ trợ quý báu về trang thiết bị, kinh phí trị giá hàng chục triệu USD để Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn, mìn sau chiến tranh.
Tại Chương trình giao lưu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 701 nhấn mạnh mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hiện nay những hậu quả nặng nề của chất độc bom mìn và chất độc hóa học vẫn hiện hữu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn môi trường sống trên nhiều vùng của đất nước.
Thủ tướng khẳng định trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc và có nhiều chủ trương chính sách quan trọng góp phần khắc phục hậu quả, đặc biệt giúp đỡ nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phát biểu. (ảnh: TTXVN)
Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; thực hiện điều tra, đánh giá, xử lý bom mìn, chất độc dioxin ở một số địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Dự án hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng; khởi động dự án hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn nữa, nâng cao nhận thức để khắc phục hậu quả, giảm nhanh diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, làm tốt công tác phòng chống tai nạn, tích cực hỗ trợ nạn nhân...; coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng đề nghị các cấp các ngành tăng cường hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động tối đa các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, cùng chung tay góp phần cải thiện điều kiện sống, hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học hòa nhập cộng đồng.
Cùng với đó là tiếp tục tăng cường các thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống tai nạn bom mìn, phòng chống tác động của chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh cho nhân dân…
Tại chương trình, các đại diện của nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã giao lưu, chia sẻ về công tác chung tay khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tại Việt Nam.
MD t/h