Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh trung học cơ sở (THCS) thông qua xây dựng và vận hành phòng tham vấn học đường", được tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Good Neighbors International (GNI) và tỉnh Gyenggido Hàn Quốc.
Tại buổi toạ đàm trực tuyến các khách mời đã cùng nhau trao đổi về chủ đề ''Làm từ điều giản dị, lắng nghe bằng cả trái tim". Chủ đề tập trung vào việc nâng cao sức khỏe tinh thần cho các em học sinh lứa tuổi trung học cơ sở thông qua lăng kính hành động và lắng nghe đến từ cha mẹ hay thầy cô giáo... Cũng như chia sẻ về các quan điểm của cha mẹ: phải đánh mắng và đưa con vào khuôn phép ngay từ đầu; Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi; Dạy con từ thuở còn thơ... có vậy mới ổn, hay như chủ đề con chơi game, yêu sớm... Ngoài ra, buổi toạ đàm còn trả lời, tháo gỡ, lắng nghe những câu hỏi của khán giả gửi đến chương trình.
Quang cảnh buổi toạ đàm. |
Chia sẻ tại toạ đàm, Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Trưởng Khoa tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục cho biết, buổi toạ đàm có chủ đề thú vị khi bàn xung quanh mối quan hệ, xung đột, đặc điểm tâm lý của lứa tuổi học sinh trung học. Theo TS Học, ông đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về xung đột giữa cha mẹ và con cái trong độ tuổi học sinh trung học.
"Nhu cầu của lứa tuổi học sinh trung học chính là nhu cầu được tôn trọng, được thấu hiểu, tôn trọng những bí mật riêng tư, được khẳng định mình. Đây hoàn toàn là những nhu cầu đúng đắn của các em. Tuy nhiên cách khẳng định của lứa tuổi này nhiều khi cứng nhắc, tính xúc cảm mạnh mẽ. Nếu cha mẹ không thấu hiểu dễ gây nên tranh cãi, xung đột với con", ông nói.
Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Trưởng Khoa tâm lý- Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục chia sẻ tại toạ đàm. |
TS Học còn cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, các bậc cha mẹ cần phải chú ý đến mạng xã hội và game. Bởi theo một khảo sát mà ông thực hiện, hiện nay các hành vi bắt nạt qua mạng rất phổ biến và được làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là Xâm phạm quyền riêng tư và bạo lực tinh thần (chiếm 15%); Nhóm thứ 2 là Quấy rối tình dục và lừa đảo qua mạng (chiếm10%). Đây đều là những mối nguy hiểm, cha mẹ cần phải dành thời gian cho con, lắng nghe con, chơi với con, giải toả tâm lý cho mình và cho con.
Theo chị Nguyễn Thanh Thanh An, chuyên viên tham vấn học đường, hiện nay, mâu thuẫn, giao tiếp giữa con với phụ huynh cũng rất phổ biến. Một trong những lý do để xảy ra những xung đột là do cha mẹ chưa trao quyền cho con, chưa ngồi lại cùng con, chia sẻ với con, hiểu, tin tưởng con. "Phòng tham vấn học đường với chức năng như một trái tim luôn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, trăn trở, giúp đỡ các em học sinh vượt qua khó khăn", chị An nói.
Chị Nguyễn Thanh Thanh An, Chuyên viên tham vấn học đường. |
Chia sẻ tại toà đàm, chị Lê Thu Trang, Điều phối viên dự án GNI cho biết, hiện nay, Tổ chức GNI đang tài trợ và hỗ trợ vận hành cho 4 phòng tham vấn học đường của các trường THCS theo mô hình 3C. Trong suốt 6 tháng vận hành vừa qua, phòng tham vấn đã hoạt động đã tiếp cận và hỗ trợ hơn 600 ca tham vấn khác nhau bằng các hình thức trực tiếp và cả tham vấn online. Phần lớn các vấn đề được các em chia sẻ có liên quan đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự khác biệt giữa các thế hệ hoặc khó khăn khi giao tiếp giữa cha mẹ và con cái ...
Chị Lê Thu Trang, Điều phối viên dự án GNI chia sẻ tại toạ đàm. |
"Thành công của một nền giáo dục là tạo nên một con người hạnh phúc. Hy vọng rằng trong quá trình đồng hành cùng con, các con sẽ trưởng thành và trở nên những con người hạnh phúc", chị Trang gửi thông điệp tới toạ đàm.
Chị Nguyễn Thanh Nhàn phụ huynh học sinh chia sẻ tại toạ đàm. |
Là phụ huynh của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Nhàn cũng chia sẻ về câu chuyện của con trai mình thông qua những tình huống như chơi game, yêu sớm. Qua đó chị cũng mong rằng tất cả các bậc phụ huynh hãy coi các con mình như là bạn, hãy luôn yêu thương, kết nối đồng hành, kết nối, hãy cho con những lựa chọn tốt nhất, tôn trọng ý kiến của con và để làm sao cho hiểu sống làm sao phải có giá trị và những giá trị đó được bố mẹ ghi nhận.
N.Nghiêm t/h Tạp chí Thời đại