Chiều 4/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương mở rộng mặt trận đối ngoại nhân dân là chủ trương hết sức đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Cùng với hoạt động ngoại giao Nhà nước, mặt trận đối ngoại nhân dân đã đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngày nay. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa hoạt động đối ngoại nhân dân với ngoại giao Nhà nước, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với một số đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam như đề nghị Chính phủ ban hành văn bản xác định cơ chế phối hợp công tác giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, vấn đề về chế độ, chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp.
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng cho biết, trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của Liên hiệp đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện Liên hiệp có 97 tổ chức thành viên, trong đó có 58 Hội, Ủy ban ở Trung ương và 39 Liên hiệp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian qua, Liên hiệp đã thiết lập được mạng lưới đối tác quốc tế gồm hàng nghìn các tổ chức và cá nhân tại các châu lục, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.
Liên hiệp đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, trong đó có nhiều hoạt động lớn, quan trọng, có chiều sâu, chú trọng hướng tới các địa bàn trọng điểm, có ý nghĩa chính trị cao và có hiệu quả thiết thực.
Với chức năng là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp đã triển khai hiệu quả công tác này. Từ năm 1992 đến nay, số viện trợ giải ngân đạt gần 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cứu trợ khẩn cấp do thiên tai,…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Liên hiệp vẫn còn những hạn chế nhất định cần khắc phục, như trong một số hoạt động đối ngoại, Liên hiệp chưa phát huy hết vai trò và lợi thế; chất lượng quan hệ đối tác tại một số địa bàn còn hạn chế; công tác xây dựng Liên hiệp và đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; một số tổ chức thành viên chậm được kiện toàn; mô hình tổ chức của Liên hiệp ở tỉnh, thành phố chưa thống nhất và thiếu cơ chế để đổi mới, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động.
Nguồn Chính phủ