Chia sẻ để thấu hiểu
Trong căn phòng ở 105A Quán Thánh (Hà Nội), không khí như lắng lại khi những người con của các tử sĩ Mỹ chuyện trò với 7 thân nhân liệt sĩ Việt Nam. Cuộc gặp gỡ có nước mắt, có nụ cười giúp họ thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn.
Ông Michael Scott Walling kể: "Cha tôi là phi công được điều đến Việt Nam từ tháng 6/1966. Ông muốn đạt chỉ tiêu 100 chuyến bay để sớm quay trở về Mỹ khi mẹ sinh tôi, nhưng chưa kịp biết mặt con thì ông tử trận vào tháng 8/1966. 20 năm sau, với sự giúp đỡ của người dân Việt Nam, chúng tôi đã tìm thấy hài cốt cha mình và đưa về an nghỉ cạnh mẹ tôi".
Cuộc gặp gỡ giữa con em liệt sĩ Việt Nam và các thành viên đoàn Dự án Hai phía. (Ảnh: Hồng Anh) |
Ông Khuất Quang Cừ, nguyên Trưởng phòng 4, Văn phòng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an, là em trai liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. Ông Phiệt nhập ngũ năm 1968. Trong trận đánh đầu tiên và cũng là cuối cùng, ông Phiệt cùng 39 đồng đội thuộc Tiểu đoàn Đặc công 409, Quân khu 5 hy sinh tại Núi Quế, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vào ngày 11/5/1969. Suốt 20 năm, ông Cừ đi tìm mộ anh trai với thông tin phía Mỹ sau trận đánh đã thu gom thi hài các anh đem chôn tập thể nhưng không có địa điểm chôn cất.
Dẫu chưa tìm được hài cốt nhưng gia đình các liệt sĩ vẫn muốn xây một ngôi mộ chung để linh hồn các anh có chốn đi về. Năm 2012, gia đình các liệt sĩ cùng các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Anh linh đài ngay tại vị trí các liệt sĩ đã hy sinh làm nơi tưởng niệm 40 liệt sĩ .
"Trong quá trình tìm hài cốt anh trai, tôi được các bạn Mỹ giúp đỡ bằng cách cung cấp tài liệu về ngày anh tôi chiến đấu và hy sinh. Ngược lại, chúng tôi cũng cố gắng giúp các bạn Mỹ tìm thân nhân mất tích, tử trận. Tôi đã giúp bà Dona tìm kiếm thông tin về người anh trai là phi công tử trận tại Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) năm 1970. Bà đến Việt Nam hơn 10 lần để tìm hài cốt anh trai theo di nguyện của mẹ nhưng tất cả đều vô vọng. Đến tháng 4/2016 tôi hỗ trợ kết nối bà, tổ chức "Hành trình của tình anh em" (RotB - Mỹ) với Hội Việt - Mỹ và các cơ quan chức năng Việt Nam, qua đó gửi gắm nguyện vọng của bà. Trong chuyến thăm Việt Nam năm đó, bà và tổ chức RotB cũng đã trao cho Bộ Quốc phòng một số thông tin liên quan đến 5 địa điểm chôn cất liệt sĩ Việt Nam. Điều đáng tiếc là cuối năm 2016, bà Dona qua đời do căn bệnh ung thư quái ác khi chưa nhận được thông tin cuối cùng về người anh", ông Cừ cho biết.
Cùng khép lại nỗi đau
Bà Margot C.Delogne, người sáng lập, Giám đốc điều hành 2SP kể: Cha của bà - ông John W. Carlson phục vụ cho binh chủng không quân Mỹ. Ngày 7/12/1966, chiếc máy bay do ông điều khiển bị bắn rơi tại Biên Hòa khi chị em bà mới 2 và 4 tuổi. Hài cốt của ông đến nay vẫn chưa được tìm thấy và vẫn nằm trong danh sách các binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam.
Ông Khuất Quang Cừ tặng chiếc nón lá Việt Nam cho bà Margot C.Delogne. (Ảnh: Hồng Anh) |
"Trong 6 tháng ở Việt Nam, bố tôi đã thể hiện tình cảm của ông với đất nước này qua những trang viết về Việt Nam, về con người nơi đây, đặc biệt là trẻ em. Nếm trải mất mát, tôi nghĩ đến những người con trai, con gái... ở bên kia chiến tuyến. Chắc chắn nhiều người trong số họ cũng đã và đang phải chịu nỗi đau giống mình", bà nói.
Với tinh thần hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hòa giải, hướng tới tương lai, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, bà đã lập Dự án Hai phía (2SP) với sự tham gia của nhiều con em cựu binh, tử sĩ Mỹ. Họ cùng nhau sang Việt Nam tìm hiểu về lịch sử, đất nước, con người nơi đây và nỗi đau chiến tranh. Trong chuyến đi, họ thăm nơi thân nhân mình chiến đấu và mãi mãi nằm xuống. Đặc biệt, các thành viên trong đoàn có dịp gặp gỡ, giao lưu, kết bạn với thân nhân liệt sĩ Việt Nam. Thông qua các cuộc gặp, hai bên chia sẻ, hồi tưởng về người thân, qua đó thấu hiểu nhau hơn, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.
Bà Nguyễn Thanh Thủy (ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) là con liệt sĩ Nguyễn Thanh Toán. Ông Toán hy sinh năm 1969 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi khi bà Thủy mới 5 tháng tuổi. Mất 20 năm gian nan mới tìm được hài cốt của cha, bà Thủy vẫn trăn trở còn biết bao người khao khát tìm được hài cốt người thân như gia đình bà. Bởi vậy, bà đã tham gia vào Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ chụp ảnh gần 4.000 bia mộ chuyển tới tình nguyện viên các tỉnh. Đối với tỉnh Thái Bình, bà đã kết nối, báo tin cho 97 gia đình liệt sĩ. Bà cũng hỗ trợ thủ tục đưa 6 liệt sĩ về quê và hiện đang tiếp tục hỗ trợ 8 gia đình liệt sĩ khác.
Bà Thủy bày tỏ mong muốn các cựu chiến binh Mỹ, thân nhân binh sĩ Mỹ mất tích, tử trận trong chiến tranh tại Việt Nam cùng hành động để hàn gắn vết thương chiến tranh. Đặc biệt, các cựu binh Mỹ có thể cung cấp manh mối để phía Việt Nam tìm kiếm những người lính còn mất tích trong chiến tranh, đồng thời trao lại kỷ vật của những người lính Việt Nam mà họ sưu tầm và cất giữ. Bà cũng kiến nghị chính quyền Mỹ đẩy mạnh khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin để bù đắp phần nào nỗi mất mát, đau thương của họ.
Tại cuộc gặp gỡ, đoàn 2SP đã chia sẻ cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Các thành viên trong đoàn khẳng định: quan hệ Việt – Mỹ là hình mẫu trong quan hệ quốc tế hiện đại, từ cựu thù trong quá khứ trở thành những người bạn, quan hệ hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.
Từ năm 2020, tổ chức 2SP triển khai dự án "Ngôi nhà hòa bình" tại Việt Nam. Đến nay, 2SP đã viện trợ xây 11 căn nhà với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng tại 4 tỉnh, thành khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam (Quảng Trị, An Giang, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Thời Đại