Tham dự tọa đàm có ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi; ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Indonesia cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp hai nước.
Chung tầm nhìn
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Indonesia Trần Minh Hùng nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được các thế hệ lãnh đạo tiền bối vun đắp. Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1955. Hai chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno vào năm 1959 đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ song phương.
![]() |
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Indonesia Trần Minh Hùng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trải qua 70 năm, quan hệ Việt Nam - Indonesia ngày càng được củng cố, phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng đến giao lưu nhân dân. Việt Nam hiện là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia trong ASEAN. Trong năm 2024, hai chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 1) và Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto (tháng 9) đã khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước.
Đặc biệt, ngày 10/3/2025, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, khi hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là dấu mốc lịch sử, giúp Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Indonesia trong ASEAN, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi nhận định: Indonesia và Việt Nam có chung tầm nhìn là trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, trùng với kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của mỗi nước.
![]() |
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
“Hiện nay, nhiều chỉ số kinh tế đã cho thấy hai quốc gia đang đi đúng đường hướng hợp tác, khi kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 16,7 tỷ USD vào năm 2024. Đầu tư hai chiều đạt 91,1 triệu USD vào năm 2024 cùng xu hướng tăng trưởng đầu tư nhanh vào các lĩnh vực chiến lược, như phát triển hệ sinh thái xe điện, công nghệ số, các ngành công nghiệp công nghệ cao…” Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi |
Theo Đại sứ, để hiện thực hóa tầm nhìn chung, các bên liên quan cần khuyến khích hợp tác cùng có lợi, đặc biệt là trong kinh tế và phát triển. Chính phủ hai nước cần đánh giá các quy định thuế quan, phi thuế quan để tạo điều kiện cho sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp cần tăng cường tương tác, tìm hiểu thị trường của nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và công nghệ. Các trường đại học, viện nghiên cứu cần thúc đẩy nhiều chương trình chung, trao đổi chuyên gia và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra những khám phá giúp tăng khả năng cạnh tranh của hai quốc gia. Cùng với đó, hai bên cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sâu sắc hơn về văn hóa, giá trị và quan điểm của mỗi quốc gia, làm nền tảng cho việc xây dựng hợp tác giữa hai dân tộc.
Hướng tới mục tiêu 18 tỷ USD
Bà Phan Thị Diệu Linh, Phó Trưởng phòng Đông Nam Á - Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) nhận định, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Indonesia có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là nền kinh tế đang phát triển bền bỉ và nhanh chóng trong khu vực ASEAN, với mức tăng trưởng GDP ổn định. Đồng thời, hai nước cùng là thành viên quan trọng trong ASEAN và các tổ chức quốc tế.
Cả Việt Nam và Indonesia đều chú trọng nâng cao thế mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm nguyên liệu thô và nông sản. Điều này tạo ra sự tương đồng trong cơ cấu thương mại, giúp hai nước dễ dàng giao lưu và mở rộng cơ hội hợp tác.
![]() |
Bà Phan Thị Diệu Linh, Phó Trưởng phòng Đông Nam Á - Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tuy nhiên, bà Linh cũng chỉ ra rằng dù kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kể vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng hợp tác. Hiện tại, thương mại giữa Việt Nam và Indonesia chỉ chiếm 2,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới và 3,4% trong tổng thương mại của Indonesia với thế giới. Trong khi đó, tổng dân số hai nước khoảng 350 - 360 triệu người, cho thấy dư địa hợp tác còn rất lớn.
"Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kim ngạch 18 tỷ USD vào năm 2025, như lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra", bà Linh nhận định.
PGS.TS. Phạm Văn Thủy, Trưởng bộ môn Lịch sử toàn cầu, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh vai trò của hợp tác giáo dục và văn hóa trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Ông đề xuất một số hướng đi để tăng cường kết nối văn hóa, xã hội giữa giữa hai nước. Cụ thể: Tăng cường sự hiểu biết và giao lưu văn hóa, tổ chức các lễ hội văn hóa chung, triển lãm nghệ thuật, giao lưu văn nghệ sĩ, đồng thời tận dụng công nghệ số để mở rộng phạm vi tiếp cận. Mở rộng hợp tác giáo dục và nghiên cứu thông qua chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên; nghiên cứu chung, thiết lập các chương trình cấp bằng kép, đào tạo song ngữ tiếng Việt - Bahasa Indonesia. Tăng cường kết nối người dân với người dân thông qua các hoạt động du lịch, thể thao, giao lưu thanh niên, tình nguyện quốc tế...
Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia đã chia sẻ những cơ hội hợp tác, đề xuất sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Bà Nguyễn Quý Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm F&G Việt Nam nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác lâu dài và bền vững giữa doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản. Bà kỳ vọng với sự kết nối và hỗ trợ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia sẽ tận dụng tối đa lợi thế về công nghệ và thị trường để cùng phát triển, đặc biệt là mở rộng thị trường thực phẩm Halal ra toàn cầu.
![]() |
Ông Tommy Manawan, Giám đốc Tài chính Công ty Japfa Comfeed Vietnam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trong khi đó, ông Lê Phú Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty THT Investment Holdings, đề cao vai trò của thương mại điện tử và chuyển đổi số trong thúc đẩy giao thương song phương. Theo ông, cả Việt Nam và Indonesia đều có dân số trẻ, am hiểu công nghệ, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đều nhận được cam kết mạnh mẽ từ chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Những yếu tố này tạo tiền đề thuận lợi để hai nước xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Ông Toàn đề xuất một số hướng hợp tác cụ thể, bao gồm xây dựng các kênh thương mại điện tử song phương; kết nối nền tảng logistics, thanh toán và kiểm định chất lượng liên thông; phát triển sản phẩm OEM/ODM phù hợp với thị trường sở tại; tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp trực tuyến định kỳ.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường Indonesia, ông Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast, nhận định Indonesia có dân số lớn, nền kinh tế tăng trưởng ổn định và chính sách hỗ trợ tích cực - những yếu tố quan trọng để bắt kịp xu hướng điện khí hóa toàn cầu. Đối với VinFast, Indonesia là một trong những thị trường trọng điểm mà doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Hiện tại, VinFast đã thiết lập hệ thống phân phối rộng khắp tại Indonesia. Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy lắp ráp (CKD) tại Subang, Đông Java, với công suất 50.000 xe/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.
Bên cạnh VinFast, nhiều doanh nghiệp hai nước cũng đã giới thiệu sản phẩm, trao đổi cơ hội hợp tác tại sự kiện, tiêu biểu như Tập đoàn Ciputra và Công ty Japfa Comfeed Vietnam.
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Trần Minh Hùng đánh giá cao các ý kiến đóng góp từ đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu hai nước. Ông cho biết, bảy tham luận tại sự kiện đã phân tích sâu sắc tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ.
Theo ông Hùng, những sáng kiến được đề xuất tại tọa đàm sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam và Indonesia tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, hướng tới mục tiêu năm 2045 trở thành các quốc gia có thu nhập cao trong khu vực và trên thế giới.
Theo Thời Đại