Chương trình hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022).
Dàn nhạc truyền thống của người mù Hàn Quốc biểu diễn tại chương trình giao lưu âm nhạc “Kết nối yêu thương” (Ảnh: Hạnh Trần). |
Phát biểu khai mạc, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết, âm nhạc có vai trò quan trọng trong đời sống của người khiếm thị. Âm nhạc góp phần tạo nên niềm vui, sự lạc quan, khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, đồng thời giúp cộng đồng người khiếm thị hiều thêm và xích lại gần nhau hơn.
Theo bà Đinh Việt Anh, những tiết mục tại Chương trình hôm nay sẽ góp phần lan tỏa niềm lạc quan, những giá trị tích cực trong xã hội, kết nối yêu thương vun đắp tình hữu nghị của người khiếm thị và nhân dân hai nước.
Đoàn các nghệ sĩ khiếm thị Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn giao lưu lần này có 25 thành viên, gồm các nhạc công, ca sĩ biểu diễn nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc và nhạc cụ hiện đại. Hai đoàn sẽ có 4 tiết mục biểu diễn chung và mỗi bên sẽ biểu diễn 3 tiết mục riêng tại buổi giao lưu.
Đại diện tổ chức Siloam đã trao biển tài trợ chương trình Dự án in SGK chữ Braille và Thư viện trực tuyến cho người mù Việt Nam (Ảnh: Hạnh Trần). |
Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được Chính phủ và nhân dân hai nước quan tâm, thúc đẩy, đạt được những thành tựu to lớn. Trong lĩnh vực giao lưu văn hóa, hai nước đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
"Trong bối cảnh đó, Chương trình giao lưu âm nhạc Việt Nam - Hàn Quốc “Kết nối yêu thương” ngày hôm nay là một minh chứng sống động cho tinh thần giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân thắm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc", Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân bày tỏ.
Ngoài buổi biểu diễn giao lưu với đoàn các nghệ sĩ khiếm thị Việt Nam, các nghệ sĩ khiếm thị Hàn Quốc đã giao lưu tại Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng cho người mù (sáng 11/10), Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (tối 11/10) Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (chiều 14/10) và Học viện Phụ nữ Việt Nam (Tối 14/10).
Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động trong nước, Hội Người mù Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, Tổ chức Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người mù Việt Nam trong học tập, dạy nghề, giao lưu âm nhạc. Từ năm 2018 đến nay, Tổ chức Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) đã ký kết với Trung ương Hội chương trình hỗ trợ máy in chữ nổi, in sách giáo khoa chữ nổi, đào tạo massage, vận hành thư viện trực tuyến cho người mù, giao lưu âm nhạc trực tuyến giữa người khiếm thị Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Các hoạt động trong khuôn khổ dự án đã giúp các em học sinh khiếm thị giảm bớt khó khăn và học tập tốt hơn, giúp những kỹ thuật viên massage có nhiều kỹ năng để áp dụng trong công việc; đồng thời, giúp người khiếm thị có cơ hội giao lưu, chia sẻ và hội nhập quốc tế. Năm 2022, Tổ chức Siloam tiếp tục hỗ trợ Hội Người mù Việt Nam chương trình in sách giáo khoa chữ nổi và xây dựng thư viện trực tuyến thông minh… |
Q. Hoa t.h / Thời Đại