Có 9 tham luận đại diện của 9 Hội hữu nghị các tỉnh thành phố Việt Nam và Lào đã chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn cũng như thuận lợi trong hoạt động của các hội hữu nghị Việt – Lào, Lào - Việt. Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Đỗ Thị Toàn đã chia sẻ một số kinh nghiệm bước đầu trong hoạt động Gia đình kết nghĩa giúp các em học sinh, sinh viên Lào xa nhà có gia đình thứ 2 ở Việt Nam. Đây là mô hình mới mang ý nghĩa cao đẹp cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Trường cho biết chương trình này tại Đà Nẵng mang lại hiệu quả cao trong việc tạo cơ hội cho các em sinh viên Lào tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa Việt Nam; giao lưu với người dân Việt Nam, nâng cao tiếng Việt và tham gia công tác xã hội, hòa nhập cộng đồng. Đây chính là cầu nối gắn kết và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước.
Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An Vi Tố Định cho biết Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài 419 km tiếp giáp 3 tỉnh Hủa- Phăn, Xiêng- Khoảng và Bô- ly- khăm- xay của CHDCND Lào. Vì vậy công tác xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị được Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An hết sức chú trọng. Công tác triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân được thực hiện ở mọi cấp, mọi lĩnh vực, đồng bộ trong toàn tỉnh. Hội đã có những hoạt động thiết thực như: Phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động bà con các xã biên giới chống di cư trái phép, truyền bá tôn giao không hợp pháp, buôn bán người, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, vũ khí; bảo vệ cột mốc, giữ gìn chủ quyền an ninh quốc gia; phối hợp Đại học Vinh tổ chức nhiều đoàn sinh viên tình nguyện sang tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) hoạt động tình nguyện; tổ chức tuần văn hóa Lào tại Nghệ An…
Chủ tịch Hội hữu nghị Lào-Việt thành phố Vientiane Bounxu Nammachak nhấn mạnh những thành tựu mà TP Vientiane đạt được đều có sự đóng góp, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều tỉnh, thành phố kết nghĩa với Thủ đô Vientiane như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... đã xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội, cung cấp gạo giúp bà con Vientiane khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, một số tỉnh thành của Việt Nam đã cấp học bổng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tập huấn công tác cho nhiều cán bộ của Vientiane.
Tham luận của các Hội hữu nghị Lào – Việt Nam các tỉnh Xiêng khoảng, U-Đôm-Xay, Sa-vẳn-na-khết chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; giữ gìn hòa trật tự, an ninh đường biên giới Lào – Việt Nam; công tác phối hợp với các sở, ban, ngành cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó; giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tình hữu nghị Lào – Việt; hợp tác đào tạo; giao lưu văn hóa.
Hoan nghênh các tham luận của các đại biểu hai nước, đồng chí Phankham Viphavanh khẳng định tình đoàn kết VN - Lào là vô giá, là quy luật phát triển của hai dân tộc. Các thế lực thù địch đã và đang tìm cách phá hoại tình cảm này nhưng tình hữu nghị Việt - Lào vẫn luôn bền chặt. Trong điều kiện hiện nay, việc tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ cốt lõi, các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam là những người sẽ góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ kế tục truyền thống quý báu của hai dân tộc. Về công tác đào tạo cán bộ, sinh viên Lào tại Việt Nam, đồng chí Phankham Viphavanh nhất trí với ý kiến của ôngVũ Xuân Hồng cho rằng các thế hệ sinh viên Lào khi học xong trở về phục vụ phát triển đất nước, ngoài tấm bằng chuyên môn còn là tấm bằng về tình cảm gắn bó keo sơn với người dân Việt Nam. Đánh giá cao một số địa phương của Việt Nam đã có chương trình ở nhà dân dành cho sinh viên Lào theo học tại địa bàn, ông cho biết, hàng năm có hàng ngàn sinh viên Lào sang Việt Nam theo học các trường đại học. Do đó các cấp hội sẽ là những cầu nối để tạo sự gắn kết giữa các sinh viên với người dân Việt Nam, góp phần để các em vừa học tốt tiếng Việt lại có sự gắn bó với quê hương thứ hai của mình...
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng nhấn mạnh để công tác hữu nghị đoàn kết nhân dân hai nước Việt Nam-Lào tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, các cấp hội Trung ương cần thực hiện tốt việc chỉ đạo và xây dựng kế hoạch công tác và giao ban định kỳ hàng năm giữa hai hội Việt Nam và Lào; hoạt động đỡ đầu sinh viên Lào là hoạt động rất thiết thực, trung ương hội có phương án nhân rộng ra các tỉnh thành; các Hội hữu nghị Việt Nam – Lào của các tỉnh biên giới cần xác định rõ vai trò của mình trong giao lưu biên giới và giữ gìn hòa bình đường biên giữa hai nước.
Q.Hoa