Hà Nội tổ chức Du xuân hữu nghị 2017 tại huyện Thạch Thất
(Vietpeace) Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, ngày 18/3/2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức chương trình “Du xuân hữu nghị 2017”, dâng hương tại chùa Tây Phương và giao lưu hữu nghị tại khu nghỉ dưỡng Asean Resort.
Photo: TV
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng khoảng 300 đại biểu Việt Nam và quốc tế là các Đại sứ, phu nhân, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; Lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội; Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hà Nội; Lãnh đạo các Hội hữu nghị của Trung ương và Hà Nội; Lãnh đạo huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Phát biểu tại chương trình giao lưu, thay mặt lãnh đạo và nhân dân Thủ đô, bà Nguyễn Lan hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội chào mừng các đại biểu đã tham dự chương trình, nhân dịp đầu xuân năm mới và nhấn mạnh đây là một hoạt động đã trở thành truyền thống hàng năm rất có ý nghĩa, nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội; là cơ hội tốt để gặp gỡ, giao lưu, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương hi vọng chương trình đã đem đến cho bạn bè quốc tế nhiều trải nghiệm thú vị về những giá trị văn hóa đặc sắc và lòng mến khách của người dân Thủ đô Hà Nội cũng như nhân dân Việt Nam, mở ra những cơ hội hợp tác mới với huyện Thạch Thất trong thời gian tới.
Thay mặt các đại biểu quốc tế tham gia chương trình, ông Saddi Salama, Phó Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ Palestine tại Việt Nam đã cảm ơn chân thành nhất tới Ban tổ chức, lãnh đạo và nhân dân huyện Thạch Thất về lời mời và sự đón tiếp nồng nhiệt trong chuyến đi này.
Ông cũng đánh giá cao vai trò của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội trong những năm qua đã có sáng kiến tổ chức nhiều hoạt đchuwcsthucs đẩy hòa bình, đoàn kết và sự hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Ông tin tưởng rằng, những hoạt động hòa bình, hữu nghị như hiện nay đã, đang và sẽ góp phần làm cho đất nước Việt Nam có một tương lai tốt đẹp và một vị thế xứng đáng trong lòng bạn bè quốc tế.
Trước đó, đoàn đại biểu đã tới thăm Chùa Tây Phương, được nghe giới thiệu về ngôi chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự)- ngôi chùa cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII tại thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa được đặt trên đỉnh núi cao hơn 100 mét, du khách tới đây phải vượt 239 bậc lát đá ong. Dựa vào thế núi từ thấp lên cao, kiến trúc chùa Tây Phương được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi, mỗi chùa cách nhau 1,6 mét là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, mỗi ngôi chùa mang một kiểu kiến trúc riêng biệt nhưng lại nằm trong một chỉnh thể hài hòa, thống nhất giữa không gian núi rừng trầm tịch và thoáng đãng.
Điểm nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là các bộ tượng gồm hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng như các bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, tượng Bồ tát Di Lặc, tượng Bồ tát Văn Thù, tượng Bồ tát Phổ Hiển, … Đặc biệt là tượng 18 vị La Hán được thờ ở chùa Thượng. Đó là 18 vị Sư tổ của Phật giáo, 18 bức tượng là 18 cá thể, mỗi người một vẻ, một tư thế. Đây cũng là bộ tượng La Hán điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVIII, là công trình tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Lê.
Năm 2014, Chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt và năm 2015, bộ tượng Phật của chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Chuyến Du xuân hữu nghị được kết thúc bằng chương trình giao lưu thắm tình hữu nghị giữa đoàn đại biểu quốc tế với các đại biểu Việt Nam, thưởng thức những bài ca, điệu múa, bản nhạc đặc sắc và đặc biệt là được ngắm nhìn những tà áo dài dân tộc Việt Nam.