Theo đó, Dự án Hỗ trợ bảo tồn và bảo vệ Gà lôi lam mào trắng ở Việt Nam do Vườn thú Berlin (Đức) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Keidaren (Nhật Bản) tài trợ với kinh phí 20.000 EUR và 4.070.000 JPI tương đương 1.199.580.000 đồng do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt làm Chủ Dự án.
Năm 2014, tại vùng rừng đặc dụng Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện 1 cặp gà lôi lam mào trắng - (Ảnh: tapchimoitruong.vn). |
Dự án được thực hiện tại địa bàn huyện Lệ Thủy từ tháng 9/2022 - 8/2023 với các hoạt động gồm: Xây dựng vận hành trạm nhân nuôi bảo tồn Gà lôi lam mào trắng và trung tâm giáo dục môi trường; Chuẩn bị nguồn giống với số lượng, chất lượng phù hợp (được huấn luyện các tập tính hoang dã và thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết trong vùng phân bố lịch sử của loài này) cho chương trình tái thả, phục hồi loài này trong tự nhiên; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, khách du lịch về bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã nói chung, Gà lôi lam mào trắng nói riêng.
Gà lôi lam mào trắng là loài chim đặc hữu, thuộc họ Trĩ (Phasianidae), sống tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam, phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Loài này có chiều dài 58-67 cm, chân và da mặt đỏ. Con trống có màu xanh da trời pha đen, còn con mái có màu nâu. Loài này có 2 biến chủng. Chủng danh định (L.e.edwardsi) có mào và trên đuôi trắng và chủng phía bắc (L.e.hatinhensis ) được tìm thấy với các lông bay ở đuôi màu trắng với số lượng biến thiên.
Sự khác biệt này trong hai chủng có thể là do giao phối cận huyết của một quần thể bị hạn chế và phân mảnh tại khu vực phân bố và cũng đã được nhận thấy ở các cá thể bị nuôi nhốt và lai cùng dòng. Gà lôi lam mào trắng là loài quý hiếm, được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp, do bị săn bẫy tràn lan kết hợp với mất sinh cảnh sống và suy thoái.
Tại Quảng Bình, các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã ghi nhận sự xuất hiện của gà lôi lam mào trắng thông qua hoạt động đặt bẫy ảnh ở Khu dự trữ thiên nhiên Đông Châu - Khe Nước Trong.
Ng.Nghiêm T/h Thời đại