Hội thảo thu hút gần 100 người tham dự cả trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan Nhà nước, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện các bậc phụ huynh/người chăm sóc và trẻ em/trẻ khuyết tật, cùng các tổ chức thực hiện dự án ACDC, MSD, VACR và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.
Tại Việt Nam, sự gia tăng bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo là một trong những thách thức lớn trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Điều này đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc đảm bảo và thực hiện các quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. So với các trẻ em dễ bị tổn thương khác, trẻ khuyết tật (TKT) gặp khó khăn nhiều hơn về tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội và cơ hội tham gia nêu lên tiếng nói của mình trong xã hội. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ TKT còn tồn tại nhiều rào cản về thể chế pháp luật cũng như những thách thức về ngân sách, công cụ cho các tổ chức xã hội làm việc với người khuyết tật (NKT) nói chung và TKT nói riêng.
Quang cảnh hội thảo. |
Trong bối cảnh đó, Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật” ra đời với mục tiêu cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết để tăng quyền cho trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật, thuộc các bản dạng giới khác nhau, để trẻ được tham gia vào quá trình ra quyết định và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực. Dự án do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hồng Kông tài trợ với sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, được triển khai từ tháng 01/2022 đến hết tháng 12/2024 bởi ba đối tác: Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Bền vững (MSD), Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam (VACR); Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC).
Phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án, ông Vương Đình Giáp, Giám đốc Thực hiện Chương trình -Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cho biết, trong 5 năm qua, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cùng với các đối tác ACDC, MSD và VACR đã liên tục duy trì và triển khai các chiến dịch truyền thông, các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, thực hành của các bên liên quan đối với vấn đề bảo vệ trẻ em và xây dựng các mô hình giáo dục phi bạo lực.
Dự án “Phòng chống bạo lực tinh thần, thể chất và phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật” mong muốn mang lại những kết quả lâu dài, bền vững, củng cố mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và khối doanh nghiệp để đồng hành và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam trong tương lai".
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. |
Tại Hội thảo, các thông tin cơ bản về dự án và kế hoạch triển khai các hoạt động trọng tâm đã được chia sẻ với các bên liên quan. Các đại biểu tham dự sự kiện sau đó đã cùng thảo luận và trao đổi về trách nhiệm của các bên trong việc đảm bảo quyền của trẻ em khuyết tật, cũng như có những hoạt động ý nghĩa thể hiện sự cam kết hợp tác vì mục tiêu cuối cùng của dự án.
“Tôi đánh giá rất cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức xã hội liên quan đến đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng các tổ chức xã hội luôn luôn đồng hành cùng với cơ quan nhà nước bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam,” bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại hội thảo. |
Khảo sát điều tra cơ bản đã được triển khai và hoàn thành vào đầu tháng 8/2022 với các thông tin chi tiết về thực trạng của các đối tượng hưởng lợi trước can thiệp của dự án. Đây sẽ là bàn đạp cho hoạt động triển khai dự án và là tiền đề hướng tới việc thực hiện các cam kết theo kế hoạch.
Sẽ tiếp cận khoảng 30.250 trẻ em Trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật (TKT) là những người được hưởng lợi cuối cùng của dự án. Thông qua nhiều kênh khác nhau, dự án sẽ tiếp cận khoảng 30.250 trẻ em, bao gồm 250 TKT, tại ba khu vực chính ở Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM Dự án sẽ hợp tác chặt chẽ với ba nhóm chính sau: Cha mẹ và/hoặc người chăm sóc trẻ em dưới 18 tuổi, tập trung vào nhóm TKT. Các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực trẻ em và TKT. |
t/h Thời đại