Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014. Đến nay, Việt Nam đã cử 56 sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân và 189 cán bộ, nhân viên thuộc đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, 2 và 3. (Ảnh: TTXVN)
Với những đóng góp thực tiễn ở các phái bộ cũng như trong các hoạt động cụ thể của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã và đang giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định.
Hoạt động gìn giữ hòa bình góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
Trong những năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao, góp phần tạo nên vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Là một chuyên gia của Liên minh châu Âu được cử sang Việt Nam làm cố vấn cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trung tá Stéphane Pierrat cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng tất cả các yêu cầu của Liên hợp quốc và điều này được thể hiện qua những đóng góp trên thực tiễn hoạt động của các bệnh viện dã chiến của Việt Nam tại Nam Sudan.
“Sứ mệnh của Việt Nam tại Nam Sudan là một hình mẫu điển hình về hoạt động cứu trợ y tế, đặc biệt trong bối cảnh thách thức về dịch bệnh như hiện nay,” Thiếu tá Adam R. Lulay nhấn mạnh.
Trong đó, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và số 2 đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả 2 bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại New York gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế này.
Hiện nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiêm cao, và là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Liên hợp quốc, các sỹ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn hỗ trợ nhân dân nước sở tại bằng nhiều hoạt động nhân đạo như nuôi dạy trẻ em, hướng dẫn người dân địa phương cách trồng rau xanh để đảm bảo hậu cần tại chỗ... tạo nên vẻ đẹp của hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong trang phục lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc.
Một lĩnh vực nữa mà Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Theo đó, tỷ lệ nữ chiến sỹ Việt Nam tham gia các phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đạt mức 20,6%, cao hơn mức 16,5% của năm ngoái và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Liên hợp quốc đến năm 2028.
Chính phủ xây dựng Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 về chế độ, chính sách; Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 241-QĐ/TW ngày 30/10/2020 về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở để các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác 3 bên.
Trong ba năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam đã chủ trì 3 khóa huấn luyện cho nhiều sỹ quan quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng. Việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á một lần nữa cho thấy sự đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà Việt Nam đã đạt được.
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”
Cùng với đối ngoại của Đảng, nhà nước, nhân dân, đối ngoại quốc phòng đã được khẳng định là một kênh quan trọng, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; từng bước xây dựng lòng tin chiến lược, “quyền lực mềm” và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, dù mới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế, đối với Liên hợp quốc, các phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Theo Thiếu tướng, trong thời đại hiện nay, việc bảo vệ cho nhân loại sống trong môi trường hòa bình và ít chịu hậu quả của các thách thức phi truyền thống là nhu cầu của mỗi quốc gia mà Việt Nam đang thực hiện rất tốt.
Lực lượng “mũ nồi xanh” của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Liên hợp quốc, phái bộ và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam về chuyên môn, tính kỷ luật, đoàn kết quốc tế và khả năng thích ứng với môi trường đa quốc gia, khí hậu khắc nghiệt, an ninh, bệnh dịch phức tạp.
Việc cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ ở Châu Phi cũng là một đóng góp của quân đội và đất nước ta vào việc duy trì hòa bình bền vững trên thế giới.
Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao. Đến nay, Việt Nam đã ký được 9 văn bản hợp tác về gìn giữ hòa bình với 9 quốc gia đối tác và hai văn bản hợp tác về gìn giữ hòa bình với Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu. Đây là những hợp tác thể hiện trong lĩnh vực đa phương, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với các nước.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng như công cuộc mở cửa của đất nước, việc quân đội tham gia hội nhập sâu rộng vào các lĩnh vực đối ngoại quốc phòng không chỉ thể hiện trách nhiệm của quân đội mà còn là một hình thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong thời kỳ hòa bình.
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, giúp "chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi" như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đánh giá kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./.
Q.Hoa t.h / TTXVN