Thưa ông, xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật nhất của Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan trong nhiệm kỳ vừa qua (2013-2022)?
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, dấu ấn nổi bật của Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan (Hội) trước hết là Đại hội đại biểu toàn quốc Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan lần thứ IV năm 2013. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành với 29 thành viên; ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản tái đắc cử Chủ tịch Hội.
Gần 10 năm qua, Hội đã nỗ lực không mệt mỏi góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong mọi hoạt động giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và củng cố quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau gần 10 năm, đến năm 2022, Hội mới tiến hành Đại hội V (nhiệm kỳ 2022-2027) một phần do thực tế khách quan của Hội nhưng chủ yếu là do tác động của đại dịch COVID-19.
Một dấu ấn nổi bật khác cần nhắc đến là Hội đã phối hợp với Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Ban Chấp hành hai Hội, luân phiên tại Việt Nam và Thái Lan từ năm 2010 đến nay. Gần đây nhất là cuộc họp lần thứ 11 tại Bangkok (Thái Lan) diễn ra từ ngày 23-26/8/2022. Tại mỗi kỳ họp, hai hội đã cùng nhau ngồi lại kiểm điểm sự hợp tác năm qua đồng thời thống nhất kế hoạch hợp tác năm tới.
Trong các cuộc họp chung giữa hai Hội, Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan đã đề xuất sáng kiến là Tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan. Sáng kiến này được triển khai vào tháng 12/2016 với việc tổ chức “Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan lần thứ nhất” do phía bạn đăng cai tổ chức. Nếu không có dịch bệnh COVID-19, Việt Nam cũng đã đăng cai Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan lần thứ 2 vào năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên chương trình này dự kiến tổ chức vào năm 2023.
Lĩnh vực giáo dục cũng để lại dấu ấn đáng nhớ khi hai Hội phối hợp với các địa phương liên quan của Việt Nam tuyển chọn 08 học sinh phù hợp để đưa sang học tại Trường Mechai Bamboo ở Buri Ram, Thái Lan, một mô hình giáo dục cộng đồng, vừa học vừa làm tại hệ trung học cơ sở và trung học phổ thông của Thái Lan. Ngoài ra hai Hội cũng đã thúc đẩy mở ra khả năng hợp tác giữa Trường Đại học Vinh và Đại học Khon Kaen, giữa Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Mae Fah Luang.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Hội cũng đã phối hợp với Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam tổ chức lễ mít tinh tại Hà Nội ngày 09/8/2016. Hai bên đã tổ chức cho ông Bhichai Rattakul, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, người đại diện phía Chính phủ Thái Lan ký thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (6/8/1976) sang Việt Nam dự và nói chuyện tại lễ mít tinh.
Ông Bhichay Rattakul, nguyên Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan (6/8/1976 - 6/8/2016). |
Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân?
- Theo tôi những thành công của Hội có được đầu tiên là nhờ xây dựng được chủ trương, đường lối hoạt động đúng đắn, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Chủ trương ấy được xây dựng trên cơ sở Chỉ thị của Ban bí thư về công tác Đối ngoại nhân dân, sự chỉ đạo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam... Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội luôn quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại, phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác đối ngoại nhân dân. Chủ động, tích cực hợp tác với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao của Nhà nước, Quốc hội và các cấp chính quyền, đoàn thể.
Thứ hai là về con người. Ban chấp hành Hội là một tập thể đoàn kết gắn bó, nhất là Ban Thường vụ Hội gồm những người tuy tuổi cao nhưng rất tâm huyết, nhiệt tình có hiểu biết về đất nước con người Thái Lan. Đây cũng là đặc điểm để công tác Hội hoạt động đều đặn, có chiều sâu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó là môi trường thuận lợi. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục Hội đã góp phần tạo điều kiện để nhân dân hai nước hiểu nhau hơn từ đó triển khai các hoạt động một cách thiết thực, dễ dàng và hiệu quả hơn. Một điểm đáng chú ý nữa là sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Hội. Một nhân tố không thể thiếu được là việc tạo cho được nguồn ngân sách xã hội hóa bền vững.
Thành công của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua có thể đúc kết như sau: Sáng tạo, phối hợp, nhiệt tình và biết vượt khó.
Toàn cảnh Hội nghị hỗn hợp thường niên lần thứ 11 giữa Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan. (Ảnh: VOV) |
Theo ông, trong thời gian tới Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan nên đẩy mạnh lĩnh vực nào để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước ?
- Như chúng ta đã biết, nền ngoại giao của Việt Nam hiện nay có 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Các hoạt động đối ngoại nhân dân hiện nay có rất nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện, Hội chỉ là bộ phận nhỏ. Tuy nhiên, các hoạt động của Hội lại có phạm vi hoạt động bao hàm tất cả các lĩnh vực.
Tôi cho rằng trong thời gian tới, lĩnh vực mà Hội cần đặc biệt quan tâm và tăng cường là hợp tác về kinh tế và đầu tư. Hội cần phát huy vai trò kết nối để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, đưa các thành tố là doanh nhân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Hội từ đó tạo môi trường, tạo cơ hội cho danh nhân, doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, hợp tác. Đây là nền móng cho thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài.
Khai mạc Lễ hội Thái Lan lần thứ 10 tại Hà Nội, ngày 17/9/2018. |
Bên cạnh đó, các hoạt động hòa bình, hợp tác, hữu nghị, giao lưu văn hóa, giáo dục… cũng cần được quan tâm và triển khai thường xuyên trong năm. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước về đất nước, con người, văn hóa, đặc biệt là thế hệ trẻ bởi các bạn trẻ sẽ kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn các hoạt động hữu nghị giữa hai nước theo cách mới, với những ý tưởng mới năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Q.Hoa t.h / Theo Thời Đại