Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
Tham dự Hội nghị có các thành viên trong Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu; Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga Trần Bình Minh; Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong và đại diện một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong cho biết, Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ IX khóa V có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình công tác trong 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; cho ý kiến về Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; thông qua một số nội dung công tác quan trọng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong phát biểu (Ảnh: Tuấn Việt)
Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, công tác đối ngoại nhân dân ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ông Đôn Tuấn Phong tin tưởng, Đảng và Nhà nước sẽ ngày càng quan tâm hơn đến công tác đối ngoại nhân dân trong đó có các tổ chức trực tiếp triển khai công tác này. Cùng với đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy, phát huy thế mạnh, hiệu quả để đóng góp nhiều thành tựu vào công tác đối ngoại nhân dân, đặc biệt là trong nhiệm kỳ sắp tới.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai tích cực nhằm xây dựng mạng lưới bạn bè quốc tế của Việt Nam ở các địa bàn trọng điểm ở tất cả các châu lục và ở tất cả các khu vực. Công tác đối ngoại nhân dân đã và đang có những đổi mới, kết hợp thúc đẩy về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác, cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai tích cực nhằm xây dựng mạng lưới bạn bè quốc tế của Việt Nam ở các địa bàn trọng điểm ở tất cả các châu lục và ở tất cả các khu vực. Công tác đối ngoại nhân dân đã và đang có những đổi mới, kết hợp thúc đẩy về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác, cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Liên hiệp Hữu nghị đã cử 11 đoàn đi công tác tại các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nga, I-ta-li-a, Xinh-ga-po, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thái Lan và Hà Lan; đón 483 đoàn (trong đó có 460 đoàn của các tổ chức PCPNN) đến từ các nước I-ta-li-a, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Cuba, Úc, Ác-hen-ti-na, Cuba, Đức... Đồng thời, với các hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức mít tinh, giao lưu, chia sẻ thông tin hợp tác, Liên hiệp Hữu nghị đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực song phương, đa phương…
Bên cạnh các hoạt động đoàn kết, hữu nghị tiếp tục được triển khai, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vẫn diễn ra theo như cam kết. Các chương trình, dự án tiếp tục được triển khai; công tác quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được tăng cường. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tham mưu cho Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giải quyết hồ sơ, thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung và gia hạn 95 giấy đăng ký các loại cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn tổ chức các Hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các buổi gặp gỡ để chia sẻ thông tin, trao đổi, phổ biến, hướng dẫn về chủ trương, chính sách và định hướng hoạt động của tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Đặc biệt, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp Hữu nghị đã hoàn thành dự thảo Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn mới (2018 – 2025) và đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Về công tác tham mưu, nghiên cứu, thông tin tuyên truyền đối ngoại, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ nhân quyền thường xuyên, tham mưu và kiến nghị nội dung làm việc phục vụ Lãnh đạo Đảng/Nhà nước đi thăm chính thức một số nước. Đồng thời, xây dựng một số báo cáo chuyên đề khác, như: Báo cáo số lượng biên chế gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế; xây dựng báo cáo phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay gửi Ban Nội chính Trung ương; Báo cáo về việc thực hiện Quy chế làm việc của Đảng đoàn Liên hiệp hữu nghị và Báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội VI của Liên hiệp Hữu nghị gửi Ban Tổ chức Trung ương; Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH TW Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở …; cung cấp số liệu phục vụ xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII gửi Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 7; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết TW 8 khóa XI...
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Liên hiệp Hữu nghị đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình đưa 220 tin bài tiếng Việt và tiếng Anh, lượng truy cập trang web 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 1.550.000 lượt. Báo Thời đại tiếp tục duy trì các trang báo điện tử bằng tiếng Nga, Anh, Trung; đồng thời 02 trang điện tử của Báo Thời đại bằng tiếng Lào và Khơ-me đã được chính thức khai trương và đưa vào vận hành trong tháng 6/2018. Website, trang điện tử của Tạp chí Hữu nghị và bản tin Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tiếp tục được duy trì.
Công tác xây dựng tổ chức tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh. Một số công việc đã triển khai trong trong 6 tháng đầu năm 2018, bao gồm: phân công công tác đối với các đồng chí Đảng đoàn Liên hiệp Hữu nghị; hoàn thiện rà soát bổ sung Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 – 2021, xây dựng Quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021 – 2026; Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018; rà soát và triển khai quy trình bổ nhiệm lại; hoàn thành thủ tục miễn nhiệm, điều chuyển công tác, giải quyết thôi việc, giao nhiệm vụ, gia hạn hợp đồng lao động cho một số cán bộ trong Cơ quan thường trực; củng cố tổ chức và lãnh đạo một số Ban, đơn vị như Văn phòng, Ban Đầu tư xây dựng cơ bản, Báo Thời đại, Tạp chí Hữu nghị…
Công tác của các tổ chức thành viên địa phương, trong 06 tháng đầu năm 2018, nhìn chung hoạt động hòa bình, đoàn kết hữu nghị của các Liên hiệp địa phương đã được triển khai tích cực, trong đó có các hoạt động tổ chức chào mừng, kỷ niệm ngày lễ, Tết cổ truyền một số nước Châu Á, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, tổ chức chương trình Xuân Quê hương, gặp mặt bà con kiều bào và thân nhân nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc; chương trình Du xuân Hữu nghị 2018…
Về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thành lập Ban Tổ chức Đại hội và các Tiểu ban giúp việc cho Đại hội. Báo cáo chính trị của Đại hội VI đang được tích cực chuẩn bị, tập trung vào các nội dung sau: Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội V và Phương hướng Đại hội VI; Báo cáo việc thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 02/12/2008 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao và nhất trí với Báo cáo trình bày tại Hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, tác động lớn đến hoạt động đối ngoại nhân dân. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại nhân dân của nước ta đã được triển khai với phương châm đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt và thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước là đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế đất nước.
Đánh giá về công tác tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 – 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Báo cáo chính trị và vấn đề tổ chức nhân sự là hai nội dung quan trọng nhất. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội rất đầy đủ, ngắn gọn, tóm tắt những vấn đề chính. Tuy nhiên, báo cáo cần nêu rõ những thành tựu đạt được, những tồn tại khuyết điểm và giải pháp khắc phục. Đặc biệt, Báo cáo chính trị cần nêu bật tình hình mới của đối ngoại nhân dân và những nhiệm vụ gắn với tổ chức, hội nghị. Đồng thời, Báo cáo cần có nội dung liên quan đến vai trò, vị trí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo, bổ sung những vị trí còn thiếu, tăng cường những nhân tố mới tại các Hội hữu nghị để có những đóng góp nổi bật hơn nữa cho công tác đối ngoại nhân dân.
Hội nghị thống nhất, trong thời gian tới, Liên hiệp Hữu nghị cần tập trung củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng; tăng cường giao lưu hữu nghị và mở rộng hợp tác, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực; duy trì tốt vai trò làm đầu mối các tổ chức nhân dân Việt Nam tham gia vào các diễn đàn nhân dân đa phương; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài; củng cố, phát triển tổ chức Liên hiệp Hữu nghị ngày càng vững mạnh.
Tuấn Việt