Quang cảnh buổi lễ (Ảnh: Tuấn Việt)
Dự buổi lễ có, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; ông Đôn Tuấn Phong, Ủy viên phụ trách Đảng đoàn, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tuấn Việt)
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thay mặt Ủy ban Đối ngoại chào mừng đại biểu có mặt tại lễ ký Chương trình phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước và bổ sung cho ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Với những đặc điểm riêng của ngoại giao nghị viện, đối ngoại Quốc hội có những kênh trao đổi với tất cả các thành phần trong Quốc hội nên có thể tận dụng để phối hợp với đối ngoại Nhà nước trong vận động và đấu tranh về đối ngoại, nổi bật là tranh thủ, vận động để xử lý các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, Biển Đông; nhân quyền, dân chủ, tôn giáo… qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong thái độ của Chính phủ, Nghị viện, nhân dân các nước đối với Việt Nam. Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân và đầu mối phối hợp trong một số hoạt động đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đã phối hợp và hỗ trợ kịp thời Ủy ban Đối ngoại trong các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định để phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ban thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức ký Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan.
Ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hữu nghị tuân thủ các quy định pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hai bên, dựa trên nguyên tắc chủ động, tích cực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại.
Ông Nguyễn Văn Giàu hy vọng, sau lễ ký Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan, Ủy ban Đối ngoại và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị sẽ triển khai các nội dung hợp tác một cách tích cực và phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động của mình.
Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tuấn Việt)
Ông Đôn Tuấn Phong thay mặt Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam gửi lời cảm ơn Thường vụ Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã thống nhất ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị giai đoạn 2018-2021” ngày hôm nay.
Ông Đôn Tuấn Phong cho biết, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, việc ký kết này thể hiện sự quan tâm của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đối với công tác đối ngoại nhân dân, có nhiệm vụ hậu thuẫn cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước.
Theo ông Đôn Tuấn Phong, những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc gìn giữ môi trường hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đối ngoại nhân dân cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại chung của đất nước. Lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân không ngừng được mở rộng, phát triển; nội dung, hình thức, lĩnh vực, địa bàn hoạt động ngày càng đa dạng và phong phú.
Ông Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, việc ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam giai đoạn 2018-2021” sẽ giúp phát huy hơn nữa sức mạnh của công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường phối giữa các cơ quan đối ngoại đóng góp có hiệu quả cho công tác đối ngoại chung và sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Lễ ký kết ngày hôm nay sẽ đánh dấu bước khởi đầu mới cho sự phối hợp chặt chẽ đó giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trong giai đoạn tới, trong đó sẽ tập trung vào một số nội dung như trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu, phối hợp triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp, phối hợp giữa các nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội, ông Đôn Tuấn Phong khẳng định.
Ảnh: Tuấn Việt
Sau đây là toàn văn nội dung Chương trình phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị giai đoạn 2018-2021.
1. Về trao đổi thông tin, tham mưu, nghiên cứu
1.1. Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cung cấp cho Liên hiệp Hữu nghị thông tin về tình hình thế giới, công tác đối ngoại của Quốc hội, định hướng, biện pháp phát triển quan hệ với các đối tác, chủ trương xử lý các vấn đề đối ngoại phát sinh, lập trường của Quốc hội Việt Nam về các vấn đề ngoại giao nghị viện.
1.2. Liên hiệp Hữu nghị cung cấp cho Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thông tin về tình hình và hoạt động đối ngoại nhân dân, phong trào nhân dân thế giới, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, quan điểm của các cá nhân, tổ chức nhân dân các nước có liên quan đến Việt Nam, các lập luận cần thiết được sử dụng có hiệu quả trong đối ngoại nhân dân để hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động đối ngoại Quốc hội, góp phần vận động, đấu tranh dư luận, bảo vệ các lợi ích, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
1.3. Hai bên xem xét trao đổi các tài liệu, kết quả nghiên cứu về tình hình thế giới, khu vực, công tác ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, nhất là các vấn đề về hòa bình và an ninh thế giới, chính sách hội nhập quốc tế, các vấn đề đối ngoại cụ thể khác cần sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, như dân chủ, nhân quyền, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
2. Về xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động đối ngoại
Thường trực Ủy ban Đối ngoại:
2.1. Trao đổi và tham khảo ý kiến của Liên hiệp Hữu nghị khi thẩm tra các luật, điều ước quốc tế có nội dung liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân và việc xây dựng nghị quyết, đề án, báo cáo, kế hoạch, chương trình hoạt động đối ngoại.
2.2. Đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị, lãnh đạo các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị tham gia các hoạt động đối ngoại của Quốc hội khi có yêu cầu.
2.3. Giới thiệu nhân sự các Nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam với các nước tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và lãnh đạo các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị; cử đại diện tham gia các sự kiện lớn do Liên hiệp Hữu nghị chủ trì tổ chức.
2.4. Chủ trì, phối hợp với Liên hiệp Hữu nghị trong các hoạt động có sự tham gia của đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ các diễn đàn nghị viện quốc tế mà Quốc hội Việt Nam là thành viên.
2.5. Chủ trì, phối hợp với Liên hiệp Hữu nghị trong việc vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong khuôn khổ ngoại giao nghị viện; vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc và các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các nước.
2.6. Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác dân nguyện: tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức công dân liên quan đến các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vận động, điều phối viện trợ phi chính phủ nước ngoài; công tác đối ngoại nhân dân.
2.7. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đưa nội dung đối ngoại nhân dân vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ tham mưu, phục vụ Ủy ban Đối ngoại.
Liên hiệp Hữu nghị:
2.8. Trao đổi và tham khảo ý kiến của Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về đề án, chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân quan trọng.
2.9. Vận động các tổ chức thành viên, đối tác nước ngoài có hoạt động phù hợp để tuyên truyền, phổ biến và ủng hộ các quan điểm, lập trường và lợi ích theo chủ trương quan điểm của Việt Nam.
2.10. Chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Đối ngoại trong việc triển khai các hoạt động có nội dung đối ngoại nhân dân tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, các hoạt động đối thoại không chính thức giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế.
2.11. Chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Đối ngoại tổ chức mít tinh, các hoạt động kỷ niệm ngày quốc khánh các nước, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, thiết lập quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và các nước.
2.12. Chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Đối ngoại trong việc tham mưu, đề xuất và triển khai các biện pháp khen thưởng, tri ân đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có công với Việt Nam theo kênh đối ngoại nhân dân.
Về Tổ chức thực hiện
1. Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp này.
2. Cơ chế trao đổi thông tin bằng văn bản định kỳ là 3 tháng/lần; họp trao đổi thông tin giữa lãnh đạo hai cơ quan là 6 tháng/lần; ngoài ra, khi có vấn đề mới phát sinh, hai bên có thể gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi thông tin bằng văn bản đột xuất.
3. Vụ Đối ngoại - Văn phòng Quốc hội, các đơn vị và các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp Hữu nghị có trách nhiệm thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp này. Các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình trên địa bàn địa phương.
4. Vụ Đối ngoại - Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Liên hiệp Hữu nghị là các đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này.
5. Hàng năm, Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất kế hoạch phối hợp công tác cho năm tiếp theo. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần điều chỉnh, hai bên cùng bàn bạc, thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung Chương trình phối hợp.
Chương trình phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Tuấn Việt