Tham dự hội nghị có ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các TCHN Việt Nam, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán Cộng hoà Ailen, Đại sứ quán Vương quốc Anh, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các ban, ngành và địa phương tỉnh Quảng Bình, các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật và phóng viên các cơ quan báo chí.
Tại hội nghị, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao viện trợ PCPNN đã có vai trò xúc tác rất quan trọng, tác động tích cực đến việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cộng đồng. Các dự án tập trung vào lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cộng đồng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tín dụng nhỏ, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện bình đẳng giới.
“Sự hỗ trợ từ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài có ý nghĩa hết sức thiết thực đặc biệt là đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vùng chịu nhiều hậu quả chiến tranh để lại. Quảng Bình là một tỉnh còn khó khăn, nhu cầu của nhân dân còn nhiều vấn đề chưa được đáp ứng, Quảng Bình rất cần đến sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài”, ông Phan Lâm Phương
Trong 10 năm kể từ 1998 đến 2008, với tổng nguồn vốn gần 28 triệu USD, viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Quảng Bình đã tập trung vào các lĩnh vực địa phương quan tâm, góp phần tích cực giúp tỉnh giải quyết những nhu cầu cấp thiết cho nhân dân. Theo ông Nguyễn Trung Thực – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa tỉnh Quảng Bình với các tổ chức PCPNN, huy động nguồn viện trợ PCPNN định hướng vào các lĩnh vực truyền thống và là thế mạnh của các TCPCPNN bao gồm Nâng cao năng lực cộng đồng và Phát triển nông thôn, giáo dục, y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp. Đại sứ Ireland tại Việt Nam, bà Maeve Collins cho biết, rà phá bom mìn là một trong những dự án quan tâm hàng đầu của Ireland và cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong dự án này.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, số lượng các TCPCPNN vào đầu thập kỷ 90 lên hơn 700 tổ chức vào năm 2009. Ông đánh giá cao sự quan tâm của các tổ chức PCPNN, các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế thông qua việc tham dự hội nghị này, và sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác mới giữa tỉnh Quảng Bình và các tổ chức PCPNN, các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế trong bối cảnh khó khăn chung, nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, xoá đói giảm nghèo, và giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, UB công tác về các tổ chức PCPNN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ có hiệu quả với Quảng Bình để xúc tiến vận động viện trợ của các TCPCPNN trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.
Hội nghị cũng thảo luận các lĩnh vực cần quan tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội như: giảm nhẹ thiên tai, vệ sinh môi trường; nâng cao năng lực cộng đồng, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, miền núi, đồng bào dân tộc, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng…và vấn đề hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại Việt Nam xét trên các góc độ các Công ước quốc tế liên quan (Công ước về Quyền của người khuyết tật, Công ước chống bom đạn chùm và Công ước chống mìn).
Thuỷ Nguyên