Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Chiều 11/12, Đại hội lần thứ XVI Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã diễn ra tại thủ đô Paris với sự tham dự của gần 100 đại biểu thuộc các thành phần đại diện của UGVF.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đại diện của nhiều hội đoàn Việt Nam tại nước này đã đến dự.
Đại hội lần thứ XVI của Hội người Việt Nam tại Pháp diễn ra trong bối cảnh thế giới vừa trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 dẫn đến suy thoái kinh tế.
Thêm vào đó, chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu… đã và đang tác động nặng nề đến đời sống kinh tế-xã hội của nhiều nước trong đó có cả Pháp và Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Pháp cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2019-2022 đã nêu bật những khó khăn mà hội phải đối mặt trong 3 năm qua do dịch bệnh và giãn cách xã hội, cũng như những nỗ lực của các thành viên để duy trì hoạt động của hội, cụ thể như xây dựng nền tảng giúp đỡ hội viên lớn tuổi, quyên góp 10.000 liều vaccine ủng hộ quê hương Việt Nam, phát triển ứng dụng kỹ thuật số để tổ chức các hoạt động trên các nền tảng xã hội, liên kết và thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên và bà con kiều bào thuộc đủ mọi lứa tuổi trong các cuộc gặp gỡ, hội họp trực tuyến...
Khi tình hình cho phép, hội đã nhanh chóng nối lại việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa xã hội truyền thống và đặc biệt là cuộc đấu tranh giúp đỡ các nạn nhân da cam trong nước và ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, quyên góp quỹ cho các hoạt động từ thiện, tương thân tương ái...
Báo cáo khẳng định: "Trong thời kỳ đại dịch, trong khi hầu hết các hiệp hội tạm dừng hoạt động thì Hội người Việt Nam tại Pháp đã có thể thực hiện các hoạt động của mình dưới nhiều hình thức khác nhau, hành động hướng tới Việt Nam và hướng tới cộng đồng người Việt tại Pháp. Điều này cho thấy khả năng thích ứng, tổ chức và sáng tạo của hội trong những hoàn cảnh khó khăn."
Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao những đóng góp của hội đối với quê hương đất nước kể từ khi thành lập, năm 1919, và trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Đại sứ cho rằng Đại hội lần này diễn ra trong lúc Hội người Việt Nam tại Pháp đang đứng trước yêu cầu phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò là một hội nòng cốt trong cộng đồng người Việt tại Pháp, vì đây là một trong những hội người Việt lớn nhất không chỉ ở Pháp mà cả ở trên thế giới, có bề dày truyền thống yêu nước nồng nàn và có nhiều thành tích lớn lao đóng góp cho đất nước và quan hệ hai nước.
Vì vậy, Đại sứ mong rằng Đại hội lần thứ 16 này sẽ là dịp tổng kết công tác nhiệm kỳ 3 năm vừa qua và trên cơ sở đó, hội sẽ tìm được những cách tiếp cận mới trong công tác và trong tổ chức hoạt động để ngày càng thu hút được đông đảo hội viên, nhất là giới trẻ tham gia sinh hoạt.
Để làm được điều này, Đại sứ gợi ý: "Hội cần mạnh dạn đổi mới cả về tư duy, tổ chức và nhân sự, về hình thức huy động cộng đồng, vừa đảm bảo được sự kế thừa truyền thống, kinh nghiệm đã tích lũy nhiều năm qua, vừa tạo điều kiện cho những ý tưởng mới, sáng tạo có không gian phát huy, và đảm bảo được sự phối hợp, giao thoa, kết hợp với các hội đoàn khác tại Pháp."
"Đồng thời, hội cần xây dựng cơ cấu bộ máy phù hợp, hiệu quả để vừa phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tiềm năng của các thế hệ đi sau, vừa vận dụng được kinh nghiệm, trí tuệ của thế hệ cốt cán đi trước."
Triển lãm ảnh một thế kỷ hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp bên lề đại hội. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Với niềm tin hội sẽ tìm được hướng đi mới xây dựng tổ chức hội trở thành một trong những nhân tố hội nòng cốt của phong trào cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong thời kỳ mới, xứng đáng với truyền thống đáng tự hào mà các thế hệ cha anh đã tạo dựng nên, Đại sứ cam kết: "Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp cũng như các cơ quan chức năng trong nước sẽ luôn đồng hành, phối hợp và hỗ trợ Hội người Việt Nam tại Pháp nói riêng và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung vì mục tiêu xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước."
Nhiều kỳ vọng đặt vào Ban chấp hành mới
Tại Đại hội XVI, các đại biểu tham dự đã thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2019-2022, Điều lệ và Nội quy sửa đổi, Nghị quyết và Phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ 2022-2025, theo ba trọng tâm chính: tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn hóa và xã hội; tăng cường các hoạt động hỗ trợ hướng về đất nước, đóng góp cho sư phát triển của Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tại Pháp; tiếp tục giúp đỡ việc hòa nhập của cộng đồng về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội tại nước sở tại, đóng vai trò làm cầu nối giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 28 thành viên và Ban đại diện và chiến lược với 10 thành viên, trong đó hầu hết là thành viên của Ban chấp hành cũ.
Ông Vương Hữu Nhân đã được bầu lại làm Chủ tịch hội nhiệm kỳ mới.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Vương Hữu Nhân cho biết trong nhiệm kỳ cũ, hoạt động của hội đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Vậy nên trong 3 năm tới, hội sẽ triển khai nhiều hoạt động hơn nữa hướng tới cộng đồng người Việt tại Pháp, hướng tới quê hương Việt Nam, đồng thời tập hợp các hội đoàn người Việt tại nước này trong các hoạt động chung để phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam.
Đặt kỳ vọng lớn vào ban chấp hành mới, ông Cấn Văn Kiệt, một hội viên lão thành của hội, cho rằng hiện nay 3/4 thành viên là giới trẻ, con em Việt kiều thế hệ thứ 3-4, sinh ra và lớn lên tại Pháp. Các cháu tuy nói tiếng Việt khó khăn, nhưng chúng đều mang trong mình dòng máu Việt và có tình cảm với quê hương Việt Nam.
Ông chia sẻ: "Tôi chỉ mong rằng Ban chấp hành mới sẽ tiếp nối công việc của các bậc cha chú, ủng hộ và hướng về quê hương Việt Nam và vận động con em Việt kiều tham gia vào hoạt động của hội."
Còn theo bạn trẻ Đỗ Linh Noémie, trong giai đoạn quan trọng này, hội cần có sự đổi mới kể cả về con người cũng như hoạt động để đáp ứng nhu cầu và sự mong đợi của thế hệ trẻ.
"Tôi mong rằng Ban chấp hành mới của hội sẽ mở lòng hơn, lắng nghe tiếng nói của giới trẻ nhiều hơn, nhất là trong việc duy trì mối liên hệ với quê hương Việt Nam, cũng như đoàn kết với các hội đoàn khác trong đó có cả các bạn đến từ trong nước và các bạn Việt kiều sinh ra tại đây, từ đó phát huy được sự đa dạng để xây dựng các kế hoạch cho tương lai"./.
Long Phạm / Theo Vietnamplus