Toàn cảnh Hội thảo
Dự hội thảo có lãnh đạo Viện Viễn Đông, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, đông đảo các nhà Việt Nam học, giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường Đại học của Nga, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, các sinh viên đang học tiếng Việt ở một số trường đại học ở Nga. Hội nghị được chia thành năm phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung: “Hiệp định Paris về lập lại hòa bình và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”; "Bàn tròn về các vấn đề quan hệ Việt Nam - Mỹ hiện nay"; “Việt Nam, Nga và Đông Á”, “Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ”, “Tiếng Việt, văn học, văn hóa, dân tộc học”.
Tiến sĩ khoa học kinh tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN Vladimir Mazurin cho biết, hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày bắt đầu đàm phán và 45 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh. Ông cho rằng việc phân tích những bài học của các sự kiện này, những biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng thời đó là rất quan trọng bởi cho đến nay, những biện pháp này trong đó có cả các biện pháp ngoại giao, vẫn có ý nghĩa nóng hổi.
Tại hội thảo, các bản báo cáo đã nêu bật bối cảnh lịch sử ở Việt Nam vào năm 1967, trước khi diễn ra cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và đàm phán hiệp định Paris. Đồng thời, các đại biểu cũng tiến hành thảo luận về nhiều chủ đề liên quan như: Phương thức tiến hành cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ; Thành công của Hiệp định Paris là kết quả của nhiều yếu tố: chính trị, quân sự, sự ủng hộ của tình hữu nghị quốc tế…v.v; Vai trò của Liên Xô trong quan hệ với Việt Nam trong đàm phán và ký kết hiệp định Paris…Theo các diễn giả, sau 50 năm, vẫn cần làm rõ, đánh giá và phân tích về những sự kiện này.
Cũng tại hội thảo, đại diện trường Đại học Viễn Đông đã trao thưởng cho các sinh viên giành được giải thưởng trong cuộc thi Olympic nhân kỷ niệm 50 năm ngày bắt đầu đàm phán và 45 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo Ban Tổ chức cuộc thi, các sinh viên Nga học tiếng Việt, chính là những người sẽ kế cận, tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống Nga - Việt.
NN t/h