Theo cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều bước phát triển vượt bậc và mở ra nhiều triển vọng mới, đồng thời thể hiện sự đánh giá cao của các nước thành viên G7 đối với Việt Nam trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Cựu đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về quan hệ giữa hai nước. Ảnh: Quang Thịnh (P/v TTXVN tại Canada)
Trong cuộc trao đổi với phóng viên thường trú TTXVN tại Canada, cựu Đại sứ Devine cho biết sau hơn một năm rưỡi trở về Canada, ông đã có cơ hội được nhìn Việt Nam từ xa và chứng kiến nhiều bước phát triển vượt bậc giữa hai nước. “Quan hệ giữa hai nước đang phát triển rất tốt, nhất là về giáo dục, thương mại, nông nghiệp, công nghệ và môi trường”, ông chia sẻ.
Theo cựu Đại sứ, hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực điển hình trong quan hệ song phương Việt Nam - Canada. Trong 3 năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam đến Canada đã tăng tới 300%, lên tới 15.000 em vào năm 2017. Để có được kết quả đó, Canada đã rất nỗ lực cải thiện hệ thống xét duyệt hồ sơ, giảm tải áp lực tài chính thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Scotia và đẩy mạnh quảng bá chất lượng trường học, chương trình học và môi trường học tập ở Canada.
Hiện tại, hệ thống trường đại học và cao đẳng ở Canada có hơn 10.000 chương trình khác nhau. Canada lại có môi trường sống rất an toàn, cởi mở, đa văn hoá, đặc biệt phù hợp với du học sinh quốc tế. Trong những năm qua, Canada đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về điểm đến cho du học sinh Việt Nam và đang có nhiều tiềm năng tiếp tục phát triển.
Bên cạnh mảng giáo dục, quan hệ giữa Canada và Việt Nam cũng đang phát triển khá tốt trên một số lĩnh vực khác. Xuất khẩu của Canada trong năm 2017, đặc biệt là nông sản và hải sản, đã tăng gấp đôi so với năm 2016, lên hơn 1 tỷ đôla Canada (CAD). Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn duy trì ở mức hơn 5 tỷ CAD, cao nhất trong các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài ra, việc hai nước giờ đây đã trở thành thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác, cũng như hỗ trợ nhau tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. Cựu Đại sứ David Devine đánh giá hai nước đã đặt nền tảng rất tốt cho hợp tác kinh tế lâu dài và Canada có thể giúp đỡ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng như môi trường, công nghệ và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Là người đã có 3 năm làm việc tại Việt Nam và kể từ khi về nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt với Việt Nam, cựu Đại sứ David Devine hiểu rất rõ cơ hội và tiềm năng phát triển giữa hai nước. Không chỉ thế, ông còn làm cố vấn cho một số trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức của Canada trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Gần đây, với sự tư vấn của ông và một số bạn bè yêu Việt Nam, 6 công ty Canada đã phối hợp với trường Đại học Ottawa cử 6 nhóm học sinh về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu môi trường đầu tư. Đây là chỉ dấu cho thấy các doanh nghiệp Canada rất quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường Việt Nam trên cơ sở cùng có lợi. Một điều rất thuận lợi là hiện Canada và Việt Nam có nhiều giá trị bổ sung cho nhau, có thể giúp nhau mở rộng thương mại với thế giới.
Trong số các lĩnh vực hợp tác, cựu Đại sứ Devine cho rằng giáo dục có tiềm năng phát triển tốt nhất. Mặc dù lĩnh vực này đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong 3 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội chưa được khai thác. Hiện tại, một số trường đại học của Canada rất muốn thu hút thêm học sinh từ Việt Nam, đồng thời đang cân nhắc đưa một số chương trình về Việt Nam giảng dạy. Mô hình này sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho học sinh Việt Nam và mở thêm nhiều hình thức hợp tác cùng có lợi khác như trao đổi sinh viên, chương trình nghiên cứu.
Bên cạnh những lĩnh vực nêu trên, Canada cũng rất muốn giúp đỡ Việt Nam giải quyết những khó khăn liên quan đến phát triển vùng đô thị. Theo cựu Đại sứ David Devine, sẽ có những giải pháp và công nghệ đặc biệt hữu ích mà Canada có thể giúp Việt Nam trong phát triển đô thị vì đây là thế mạnh của Canada. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Canada có thể giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực y tế, nước sạch và ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, Canada đang cố gắng mở rộng thương mại với Việt Nam theo từng nhóm, ngành hàng với hy vọng khi CPTPPP được đưa vào triển khai, hai nước sẽ có nhiều cơ hội khai phá tiềm năng và thúc đẩy phát triển toàn diện hơn nữa. Mức thuế quan thấp trong CPTPP sẽ cho phép hàng hoá hai nước tiếp cận nhiều thị trường trong khối và tăng cường sản xuất. Ngoài ra, đây cũng sẽ là cơ hội các nhà đầu tư hai nước hợp tác với nhau trong các dự án tương lai.
Liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ngày 8-9/6 ở vùng Charlevoix và việc Thủ tướng Justin Trudeau mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, cựu Đại sứ David Devine cho rằng điều này thể hiện rõ sự coi trọng của nước chủ nhà Canada nói riêng và các nước thành viên G7 nói chung đối với tiếng nói và vị thế của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hiểu rõ G7 đang quan tâm đến những vấn đề gì và nắm được những chuyển động lớn hiện nay trên thế giới.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo của các nước khác về những vấn đề quan trọng và cấp bách của thế giới, đồng thời trao đổi với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau về tương lai và triển vọng quan hệ Canada - Việt Nam dựa trên nền tảng vững chắc của 45 năm quan hệ song phương và quan hệ Đối tác Toàn diện đã được lãnh đạo hai nước nhất trí trong chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) của Thủ tướng Trudeau cuối năm ngoái.
theo baotintuc.vn