Ông Vũ Mão - Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
PV: Được biết, ông từng đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Với kinh nghiệm của người làm đối ngoại lâu năm, xin ông cho biết, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân thời điểm trước đây cũng như thời điểm hiện tại.
Ông Vũ Mão: Đối ngoại nhân dân vô cùng quan trọng nhưng lại rất khó.
Tổng kết lại quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam, lĩnh vực ngoại giao có ba trụ cột chính gồm: Đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đó như chiếc kiềng ba chân hợp thành sức mạnh tổng hợp cùng với sức mạnh chính trị, kinh tế và đoàn kết toàn dân tạo nên những thắng lợi to lớn của Cách mạng Việt Nam. Do đó, trước tiên, cần khẳng định rõ vai trò và vị trí quan trọng của đối ngoại nhân dân từ trước tới nay.
Đi sâu về đối ngoại nhân dân, hình thức và phương thức của đối ngoại nhân dân gắn liền với nội dung phong phú. Nếu như trên thế giới, đối ngoại Nhà nước đã được định hình khá lâu với có những nội dung, phương thức, bài học, kinh nghiệm được tổng kết như một “giáo trình có sẵn”, thì đối ngoại nhân dân lại phong phú, uyển chuyển, linh hoạt và thích ứng với nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.
Hoạt động đối ngoại Quốc hội, Nghị viện vừa mang tính Nhà nước vừa mang tính nhân dân, có sự hòa quyện tất cả những phương thức nội dung khác nhau. Song riêng về lĩnh vực đối ngoại nhân dân, thời gian 35 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia giúp tôi nhận ra rằng, làm đối ngoại nhân dân còn khó hơn rất nhiều. Nếu đối ngoại Nhà nước được trang bị đầy đủ các phương diện tài chính, kinh phí, điều kiện, vị thế thì trái lại, không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ về đối ngoại nhân dân.
Bên cạnh đó, điều kiện hoạt động đối ngoại nhân dân có thể ví von là “tay không bắt giặc”. Tất cả đều nằm ở sự nhiệt huyết, tâm sức, sự cố gắng, sáng tạo của bản thân để mang lại những hoạt động có hiệu quả.
Do vậy, đối ngoại nhân dân quan trọng, song không phải ai cũng dễ dàng làm được. Nó đòi hỏi những người làm đối ngoại nhân dân, những chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại nhân dân phải là những con người tài năng, đức độ, kiên cường và tâm huyết.
PV: Trong bối cảnh tình hình quốc tế biến đổi phức tạp theo từng giờ, theo ông, đối ngoại nhân dân thời nay cần chú trọng vào những điểm gì?
Ông Vũ Mão: Người hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân cần có sự am hiểu rộng. Lấy Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia làm ví dụ, muốn làm tốt công tác này, trước hết đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về nước bạn cũng như mối quan hệ hai nước.
Quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia là mối quan hệ tốt đẹp song cũng có những thăng trầm, thậm chí có những mặt tiêu cực. Nhân dân hai nước đều rất tốt song việc thông tin qua lại và hiểu biết lẫn nhau lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi bị kẻ xấu lợi dụng kích động.
Thủ tướng Hun Sen - một con người sắc sảo và thích dùng hình tượng về đối ngoại nhân dân từng nói: “Nếu đối ngoại Nhà nước thể hiện trên bàn đàm phán, có khi phải đập bàn nếu quan điểm, ý kiến và nhận thức khác nhau, thì với đối ngoại nhân dân, ta có thể đưa tay vòng dưới gầm bàn bắt tay nhau, thân thiết, gần gũi.”
Do vậy, khi đối ngoại Nhà nước gặp khó khăn, cũng là khi đối ngoại nhân dân phát huy thế mạnh của mình. Nhất là các nước có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc thì đối ngoại nhân dân ở biên giới là vô cùng quan trọng, có thể làm cứu cánh, hỗ trợ cho những hình thức đối ngoại khác.
Người làm đối ngoại nhân dân phải năng động, sáng tạo. Trong nước hiện nay có hàng chục vạn quân tình nguyện, các chiến sĩ đã từng chiến đấu tại Campuchia trở về với đời thường. Vượt qua mọi điều kiện khó khăn, thành lập các tổ chức hữu nghị quân tình nguyện, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Mặt trận 479, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Quân đoàn 2, Quân đoàn 4… là những biểu hiện rõ nét cho sự thỏa mãn yêu cầu này của đối ngoại nhân dân.
Mặt khác, có thể kể tới phong trào “Ươm mầm hữu nghị” của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Lượng lưu học sinh trên cả nước là 1000 em, song số tiền trợ cấp hàng tháng cho các em để học tập, sinh hoạt còn hạn chế. Đó là động lực cho những hình thức như kết nghĩa, đỡ đầu, nhận con nuôi ra đời, thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đến cuộc sống của lưu học sinh Campuchia.
Bên cạnh đó, các doanh nhân, doanh nghiệp cũng bắt đầu nhận đỡ đầu cho các lưu học sinh, tạo cơ hội định hướng và phát triển tương lai cho lưu học sinh sau khi về nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế… Đây là những hình thức tốt, xây dựng cốt lõi của tình hữu nghị trên nền tảng kinh tế.
PV: Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến đối ngoại nhân dân như thế nào qua các thời kỳ phát triển. Xin ông cho một vài ví dụ cụ thể?
Ông Vũ Mão: Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta thể hiện rõ nhất qua việc nhận thức cùng các quan điểm chỉ đạo, góp phần khẳng định ba chân kiềng về đối ngoại của nước ta. Trên thực tiễn, Ban Bí thư rất quan tâm, đề ra nhiều chỉ thị và kết luận nhằm tạo điều kiện cho đối ngoại nhân dân hoạt động tốt.
Tuy nhiên, nhận thức chung của toàn xã hội và những cán bộ đương chức cấp cao trong các cơ quan nhà nước chưa thực sự rõ ràng về đối ngoại nhân dân.
Điều kiện, kinh phí của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân còn hạn hẹp song không thể để yếu tố này làm đánh giá thấp vai trò của các tổ chức chính trị về đối ngoại nhân dân. Do đó, cần công nhận các hội hữu nghị với vai trò chính trị rõ nét là góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và nước bạn là các tổ chức chính trị xã hội được cấp kinh phí hoạt động như các tổ chức khác như Mặt trận Tổ quốc hay Đoàn Thanh niên…
PV: Báo Thời Đại hiện có 5 chuyên trang tiếng nước ngoài đề cập, truyền tải các thông tin về đối ngoại nhân dân. Theo ông, nội dung của báo Thời Đại đã phong phú chưa? Người làm báo đối ngoại nhân dân phải có những phẩm chất gì?
Ông Vũ Mão: Tôi khẳng định, báo chí là quyền lực thứ tư. Bên cạnh những khó khăn, việc báo chí nói chung và báo Thời Đại nói riêng có vai trò đắc lực giúp người dân hiểu được vị trí và tác dụng to lớn của đối ngoại nhân dân cũng như các hoạt động hữu ích nó đem lại trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới là cần thiết và có hiệu quả rõ ràng. Có thể nói, đối ngoại nhân dân có được thành công một phần nhờ vào báo chí.
Báo Thời Đại của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam thời gian qua đã hết sức nỗ lực, cố gắng. Có được điều đó là do người làm báo Thời Đại tâm huyết, kiên trì vượt qua mọi trở ngại, thách thức, trong đó bao gồm cả yếu tố về cơ sở vật chất.
Người làm đối ngoại nhân dân là những người phải có tâm đối với hoạt động vô cùng khó này; phải có đạo đức, tài năng và sự uyên bác thì mới phân biệt được thông tin để truyền tải đến bạn đọc nội dung chuẩn chỉ nhất. Bên cạnh đó, người làm báo đối ngoại nhân dân còn luôn luôn phải sáng tạo, có cách thức đưa tin đột phá nhưng không gây sốc, độc giả tiếp cận thông tin vẫn hiểu đúng bản chất vấn đề.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!