Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dự lễ khai trương Tủ sách Tiếng Việt tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)
Trải qua chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển (1959-2024), Ban Việt kiều Trung ương, nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước trưởng thành vững chắc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã trả lời phỏng vấn TTXVN về những thành tựu nổi bật của công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng như những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm huy động nguồn lực kiều bào trong thời gian tới.
- Xin Thứ trưởng chia sẻ về quá trình đổi mới của Ủy ban một cách liên tục, đồng bộ và nhất quán trong 65 năm qua để thực hiện tốt vai trò, chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước cũng như triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Hành trình phát triển từ Ban Việt kiều Trung ương (1959) đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ngày nay, đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới về tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chăm lo, hỗ trợ và phát huy nguồn lực của kiều bào.
Ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/NĐ-TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương, đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác đối với kiều bào. Đây là lần đầu tiên một tổ chức chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài.
Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất và đối mặt với những thách thức to lớn, Ban Việt kiều Trung ương đã thực hiện những thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức, từ một hội đồng liên ngành chuyển thành cơ quan chuyên trách với những nhiệm vụ cụ thể hơn.
Trong bối cảnh kiều bào ngày càng đa dạng về thành phần, quan điểm chính trị, Ban đã kiên trì thực hiện các chính sách tập hợp, đoàn kết và bảo vệ cộng đồng.
Năm 1995, Ủy ban chính thức trực thuộc Bộ Ngoại giao theo Nghị định số 77/CP, khẳng định vị trí chiến lược của công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong ngành Ngoại giao. Giai đoạn này, công tác tập trung vào việc gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với các chương trình cụ thể như thúc đẩy kiều bào về nước thăm thân, đầu tư và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đặc biệt, sự ra của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị với chủ trương nhất quán: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị nói chung, Ủy ban nói riêng.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Ủy ban đã sắp xếp lại bộ máy theo hướng ngày càng tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, từ tham mưu xây dựng chính sách, bảo vệ quyền lợi của kiều bào, đến triển khai các hoạt động kết nối cộng đồng với quê hương. Việc tinh gọn không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nhận thức rõ công tác cán bộ là yếu tố cốt lõi, góp phần quyết định sự thành công của công tác người Việt Nam ở nước ngoài, những năm qua, Ủy ban luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, bản lĩnh, không chỉ giỏi chuyên môn, am hiểu chính sách mà còn phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, để từ đó tạo sự tin tưởng và gắn kết bền chặt hơn giữa cộng đồng với quê hương.
Chiều 5/8/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhìn lại hành trình 65 năm, sự phát triển của Ủy ban gắn liền với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động, nhằm thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước, đồng thời triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển đất nước.
- Trải qua 65 năm thành lập và phát triển, Thứ trưởng chia sẻ về những thành tựu nổi bật của công tác người Việt Nam ở nước ngoài?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong suốt 65 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trước hết, Ủy ban đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành các văn bản chỉ đạo, mang tính định hướng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nổi bật là Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW; qua đó tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam; thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, từ đó động viên, khích lệ đồng bào ta tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và tinh thần yêu nước, hướng về quê hương.
Trên cơ sở đó, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật, đề xuất chủ trương, chính sách mới bảo đảm quyền lợi của kiều bào thiết thực và hiệu quả.
Các quy định pháp luật liên quan đến quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú; các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở được sửa đổi với nội dung thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho đồng bào ta ở nước ngoài hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gần với người trong nước, khuyến khích bà con đầu tư, kinh doanh trong nước.
Bên cạnh đó, công tác tăng cường đại đoàn kết dân tộc đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá. Thông qua hoạt động do Ủy ban tổ chức (nay đã trở thành thương hiệu như: Chương trình Xuân Quê hương; đoàn kiều bào thăm Trường Sa, dự Giỗ Tổ Hùng Vương...) và những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, đã tạo thêm niềm tin và phấn khởi, tăng cường gắn kết giữa bà con kiều bào với đất nước.
Cùng với đó, công tác phát huy nguồn lực của kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước đạt nhiều kết quả thực chất. Những con số khả quan về lượng kiều hối, tính hiệu quả của các dự án đầu tư về trong nước của kiều bào cũng như những đóng góp to lớn của các chuyên gia, trí thức kiều bào trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… đã khẳng định vai trò quan trọng của kiều bào đối với quê hương, đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiêu biểu, riêng tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (được tổ chức tháng 8/2024 vừa qua), với sự tham gia của trên 400 kiều bào, đã có tới trên 100 ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng. Trong đó có những đề xuất từ các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực mà đất nước ta đang tập trung ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số...
Từ năm 2009 đến nay, Ủy ban đã 4 lần tổ chức các Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới; hằng năm đều tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề..., tạo diễn đàn để kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển đất nước, địa phương. Các ý kiến của kiều bào đã được Ủy ban tập hợp, chuyển các bộ, ngành, địa phương tiếp thu. Nhiều sáng kiến đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cuối cùng, công tác hỗ trợ, chăm lo cho kiều bào luôn được quan tâm, cập nhật nhằm theo sát tình hình thực tế tại các địa bàn. Đến nay, đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý ổn định, hội nhập sâu rộng và khẳng định được vị thế tại xã hội sở tại. Tại một số địa bàn nơi bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Ủy ban luôn quan tâm, hỗ trợ thông qua các đề án, chương trình và hoạt động hỗ trợ thường xuyên, đều đặn, với sự chung tay của các bộ, ban, ngành địa phương.
Công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và ngôn ngữ Việt được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú.
Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8/2022 có thể coi là đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Những thành tựu trên không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
- 65 năm đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xin Thứ trưởng chia sẻ sự thay đổi về chất và lượng cũng như vai trò của nguồn lực kiều bào trong phát triển của đất nước?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Nói đến cộng đồng là nói đến những người con đất Việt xa Tổ quốc luôn hướng về cội nguồn và nuôi dưỡng lòng tự tôn dân tộc, đóng góp về tinh thần, vật chất, kể cả hy sinh xương máu vì đất nước.
Ngay từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình, sự đùm bọc che chở và đóng góp quý báu của bà con kiều bào khắp năm châu.
Rất nhiều trí thức, nhân sỹ kiều bào đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, trở về nước, được Bác Hồ trọng dụng và đã phát trí tuệ, công sức, đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong giai đoạn những năm Đổi mới, sự đóng góp của bà con kiều bào cả về nguồn lực vật chất lẫn trí thức, kinh nghiệm quản lý... có ý nghĩa rất lớn, giúp đất nước vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn để có được thế và lực như ngày nay.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, hiện diện khắp trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có tiếng nói và có ảnh hưởng lớn tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện có khoảng hơn 600.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm xấp xỉ 10-12% cộng đồng, trong đó có hàng ngàn tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi có uy tín quốc tế.
Họ là những người được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học, công nghệ phát triển cao, làm chủ các phương pháp quản lý kinh tế chuyên nghiệp và đặc biệt, có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới.
Nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Thêm vào đó, đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia gốc Việt thế hệ thứ hai, thứ ba cũng đang trưởng thành, tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của thế giới như công nghệ điện tử-thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học; lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), dữ liệu lớn (Big data); lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán.
Riêng tại Thung lũng Silicon, các kỹ sư công nghệ người Việt chiếm từ 2-3% nhân sự tại các công ty, tập đoàn đang hoạt động ở đây, trong đó khoảng 2% giữ các cương vị chủ chốt.
Những số liệu này là minh chứng sinh động nhất cho thấy tiềm năng, tiềm lực to lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và lực lượng chuyên gia, trí thức, nhà khoa học kiều bào nói riêng.
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những yêu cầu phát triển cao hơn đòi hỏi sự chung sức chung lòng của những người con đất Việt cả trong và ngoài nước.
Đảng và Nhà nước đã xác định rõ kiều bào là vốn quý của đất nước, do đó cũng rất mong bà con tiếp tục đồng hành chặt chẽ với đất nước trên chặng đường mới này, một chặng đường đòi hỏi nhiều trí tuệ, tâm sức hiến kế cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4 tháng 8/2024: “Cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của kiều bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước ngày nay.” Đây là lời kêu gọi và cũng là niềm tin của Tổ quốc đối với những người con xa xứ, cùng chung tay dựng xây một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.
- Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đổi mới trong phương thức hoạt động của Ủy ban nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Kỷ nguyên mới của dân tộc cũng đặt ra những nhiệm vụ mới đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, Ủy ban nói riêng; đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động, tích cực và hết sức sáng tạo công tác này, không những tại Ủy ban mà còn cả trong toàn hệ thống chính trị, cả ở trong và ngoài nước, qua đó huy động nguồn lực, sức mạnh to lớn cả về vật chất và tinh thần của kiều bào, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Công viên Ikebukuro (Nhật Bản). (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)
Trước hết, chúng ta cần xác định công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải tiếp tục thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi chính sách chủ trương đều phải quán triệt tinh thần này.
Phải làm sao vừa động viên, khích lệ, phát huy nguồn lực to lớn của bà con, vừa phải thể hiện mạnh mẽ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo cho đồng bào ở xa Tổ quốc. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải mang tính đồng bộ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Trọng tâm công tác phát huy nguồn lực, do đó, phải tập trung hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại, xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết, chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
Về nội dung, bên cạnh phát huy kết quả đã có, chúng ta cần tìm ra những động lực mới nhằm gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước. Do đó, không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng đóng góp xây dựng đất nước, phát huy cao nhất và đầy đủ tiềm năng của cộng đồng.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng./.