Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Những ngày cuối năm, dấu ấn của ngoại giao kinh tế càng rõ nét qua các thỏa thuận hợp tác với những "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu. NVIDIA - tập đoàn hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) - cam kết thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Trong khi đó, Apple tuyên bố gia tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng, thêm một mảnh ghép quan trọng củng cố vị thế Việt Nam trong bản đồ sản xuất công nghệ thế giới. Đây là minh chứng sống động cho đường lối "ngoại giao công nghệ" của Việt Nam, mở rộng cửa để kinh tế đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới toàn cầu.
Ngoại giao kinh tế không chỉ tập trung vào duy trì đà tăng trưởng mà còn đổi mới các động lực, từ các trụ cột truyền thống như xuất khẩu, đầu tư đến những lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn và những ngành mang tính đột phá như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI, ngành Halal. Thông qua gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 170 thỏa thuận hợp tác trong năm, Việt Nam đã kết nối các đối tác toàn cầu, đặc biệt là khai phá những động lực tăng trưởng mới từ Mỹ Latinh đến Trung Đông - châu Phi và các quốc gia công nghiệp phát triển (G7).
Điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 chính là chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới Mỹ vào tháng 9, tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu như Apple, Meta, Google… đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển giao công nghệ và phát triển các lĩnh vực đổi mới sáng tạo như AI, chuyển đổi số và Internet vạn vật (IoT). Những cơ hội này không chỉ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững mà còn đặt nền móng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đến Chile và Peru tháng 11 đã thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Điểm dừng chân của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Brazil đã nâng quan hệ Việt Nam - Brazil lên đối tác chiến lược, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn. Brazil sẽ trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán một hiệp định thương mại tự do với khối này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Amin Al Nasser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Ảrập Xêút chứng kiến ký kết thoả thuận hơp tác giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Ảrập Xêút. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ngoại giao kinh tế Việt Nam cũng để lại dấu ấn sâu đậm tại Trung Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar và Saudi Arabia (Arập Xêút), đem tới đột phá cho hợp tác về năng lượng sạch, chuyển đổi xanh và phát triển ngành Halal. Việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE được xem là một mốc lịch sử, không chỉ mở đường cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác chiến lược.
Như Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp chia sẻ, CEPA sẽ thúc đẩy sự chuyển giao kinh nghiệm kỹ thuật và quản lý, đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư vào các trung tâm kiểm định tiêu chuẩn Halal tại Việt Nam. Những bước đi này không chỉ góp phần xây dựng hệ sinh thái Halal nội địa mà còn giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định vị thế mới trên bản đồ thương mại quốc tế.
Liên quan tới ngành Halal, Malaysia đã trở thành đối tác chiến lược lý tưởng để hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành này, sau chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Malaysia (21 - 23/11) và hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Bà Jamilah Haji Hassan, Giám đốc cấp cao phụ trách hội nhập kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, cho biết Malaysia sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao quy trình sản xuất và chứng nhận Halal, giúp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hồi giáo. Ngay những ngày cuối năm, khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt đã được cấp chứng chỉ Halal với hơn 3.000 sản phẩm đã được giới thiệu tại Lễ hội Halal Melaka 2024 (Malaysia), mở đường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác quốc tế.
Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia năm 2024 giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược, từ năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo đến chống biến đổi khí hậu. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Hal Hill của Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh những mối quan hệ đối tác này sẽ giúp Việt Nam vững vàng trước những biến động toàn cầu, đồng thời thực hiện hiệu quả chiến lược đa dạng hóa kinh tế. Giáo sư Chu Hoàng Long từ Đại học Quốc gia Australia cũng khẳng định, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nguồn đầu tư quan trọng vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy đổi mới và củng cố vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Đối với Pháp, nâng cấp quan hệ tạo động lực để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ hạt nhân, chuyển đổi năng lượng, giao thông đô thị và đường sắt. Ngoài ra, hai bên còn hướng tới mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh và kinh tế số – những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.
Với Malaysia, chuyên gia Collins Chong Yew Keat từ Đại học Malaya nhận định hai nước sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong các ngành công nghiệp quan trọng, mang tính quyết định về các vấn đề địa chiến lược và địa kinh tế khu vực và toàn cầu, bao gồm bán dẫn, năng lượng xanh và nền kinh tế kỹ thuật số.
Việt Nam tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chiến lược.
Phiên thảo luận “Cuộc chiến chống đói nghèo” của Hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 18/11/2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Việc tăng cường hợp tác kinh tế đa phương mở đường lớn để Việt Nam khẳng định vững chắc vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Năm 2024 chứng kiến các bước tiến mạnh mẽ của đất nước trong việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ chiến lược, đặc biệt tại các diễn đàn đa phương lớn như LHQ, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)…
Những đề xuất và sáng kiến của Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị toàn cầu và chuỗi cung ứng bền vững, góp phần định hình trật tự kinh tế khu vực và toàn cầu theo hướng cởi mở và bền vững.
Thông qua các hoạt động đa phương, hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng hợp tác và đóng góp cho các vấn đề toàn cầu đã được củng cố, tạo dựng niềm tin và thu hút sự quan tâm từ các đối tác. Nhờ vậy, đường lớn có thể mở ra để thúc đẩy “ngoại giao cơ sở hạ tầng”, đặc biệt là các dự án đường sắt tốc độ cao, cảng biển, sân bay thu hút vốn khoản vay ưu đãi từ các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức tài chính quốc tế.
Những liên kết bền vững trong các lĩnh vực chiến lược tiếp tục mở ra triển vọng để ngoại giao kinh tế bứt phá mạnh mẽ trong năm tới, đặc biệt trong lĩnh vực không gian vũ trụ, không gian biển và các lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm. Đường lớn đã mở để Việt Nam chuẩn bị cho những bước tiến chiến lược xa hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Báo Tin tức