Một trang trong tư liệu phản chiến của người Mỹ gốc Á. Dòng chữ lớn viết: "Người châu Á tuần hành vì Việt Nam. Nếu bạn muốn hòa bình, bạn phải chiến đấu vì nó." |
Những kỷ vật, tư liệu trao tặng cho khu di tích Nhà tù Hỏa Lò thuộc sở hữu của ba nhà hoạt động vì hòa bình cánh tả là ông Alexander Hing, bà Judith Albert và ông Frank Royce, những người bạn thân thiết của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.
Lễ trao tặng được diễn ra trang trọng vào chiều 5/7, dưới sự chứng kiến của đại diện Hội Việt – Mỹ (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) và những người bạn Mỹ có nhiều năm gắn bó với công cuộc hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Giới thiệu về những kỷ vật của mình, ông Alexander Hing, người từng từ bỏ cơ hội học tập tại UC Berkeley, một trường Đại học hàng đầu nước Mỹ để tham gia phong trào chống chiến tranh chia sẻ:
“Phong trào phản chiến của người Mỹ gốc Á như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc đã diễn ra vô cùng sôi nổi, xuất phát từ nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, những câu chuyện lịch sử về phong trào này chưa được biết đến nhiều... Đó là lý do tôi muốn chia sẻ những kỷ vật của tôi với Việt Nam” ông Alexander Hing cho biết.
Ông Alexander Hing (trái) chia sẻ về phong trào phản chiến của người Mỹ gốc Á. |
Bộ kỷ vật quý giá của ông Alexander Hing gồm video tư liệu, tập san tổng hợp những bài báo, pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu kêu gọi phản chiến của thanh niên gốc Á thập niên 70, mà ông từng là hạt nhân tích cực. Đặc biệt, nhân dịp này, ông cũng trao tặng cho khu di tích một tư liệu chưa từng công bố tại Việt Nam: đoạn băng ghi âm lời Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền tải thông điệp phản chiến gửi tới nhân dân Mỹ.
Một thành viên khác trong đoàn, Tiến sĩ Judith Albert (Judy), thành viên sáng lập tổ chức phản chiến “Đảng Thanh niên quốc tế” (Yippies) mang theo kỷ vật là một “Cẩm nang chiến thuật” (Tactical Manual) của những ngày tháng 5 lịch sử 1971, với các cuộc biểu tình phản chiến thu hút hàng chục vạn người ở thủ đô Washington.
Bà Judith Alberts chia sẻ tấm ảnh về thời phản chiến sôi nổi. |
Cuốn cẩm nang mô tả chi tiết kế hoạch hành động của những người phản chiến, với một trong những mục tiêu quan trọng là làm “tê liệt” thủ đô nước Mỹ, góp phần làm ngưng trệ tiến trình cuộc chiến tại Việt Nam," bà Judy kể.
Một trong những kỷ vật, "Cẩm nang chiến thuật" chuẩn bị cho cuộc tuần hành lịch sử phản đối chiến tranh Việt Nam năm 1971. |
Trưởng đoàn đại biểu, ông Frank Joyce là người từng tham gia và lãnh đạo nhiều tổ chức, phong trào như: Hiệp định Hòa bình của nhân dân, Phong trào Hòa bình Đông Dương tặng khu di tích những tư liệu, kỷ vật quý giá, ghi lại thời tuổi trẻ sôi nổi của mình. Đó là một cuốn lịch tự tay ông làm, ghi lại những dấu mốc của hoạt động phản chiến năm 1971, các báo cáo về tình hình Đông Dương, và đặc biệt, là những tư liệu ghi lại quá trình theo dõi, bắt giữ của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đối với "kẻ nổi loạn" lúc bấy giờ là ông.
Được vinh dự tiếp nhận những kỷ vật từ các nhà hoạt động vì hòa bình, bà Đào Thị Huệ, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò xúc động cho biết: “Những video ghi lại phong trào phản chiến của người Mỹ gốc Á, băng ghi âm thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Mỹ là những tư liệu quý giá mà chúng tôi chưa từng được tiếp cận. Những tư liệu này vô cùng hữu ích đối với khu di tích, giúp gợi mở những hướng đi rõ ràng hơn trong công tác chỉnh lý, nghiên cứu, trưng bày hiện vật tại bảo tàng.”
Ông Frank Joyce trao cuốn lịch 1971 cho bà Đào Thị Huệ, Phó trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, |
Bà Đào Thị Huệ cũng nhấn mạnh, với tất cả sự trân trọng, biết ơn, các cán bộ khu di tích sẽ nỗ lực nghiên cứu kỹ lưỡng bộ tư liệu để sử dụng một cách có hiệu quả nhất, và hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà hoạt động vì hòa bình Mỹ trong công tác này.
T.h theo thoidai.com