Tham dự lễ kỷ niệm có ông Trần Bình Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga; Trung tướng, Anh hùng, Phi công vũ trụ Phạm Tuân; Thiếu tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ); ông Vadim Bublikov, Tham tán Công sứ Đâij sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; cán bộ, hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga; tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân…
Trung tướng Phạm Tuân phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ảnh: TIẾN DŨNG
Trước khi khai mạc cuộc họp mặt kỷ niệm, các đại biểu đã tham quan gian trưng bày về chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt-Xô năm 1980 tại Bảo tàng Quân chủng PKKQ. Tại đây, bên cạnh hiện vật quý là bộ phận đổ bộ của tàu vũ trụ “Liên hợp 36” đã đưa Phạm Tuân và Viktor Gorbatko tiếp đất an toàn ở Kazakhstan ngày 31/7/1980, Anh hùng Phạm Tuân xúc động kể lại một số chi tiết trong chuyến bay vũ trụ lịch sử và trong pha tiếp đất (hạ cánh) cũng như sự đón tiếp nồng hậu dành cho ông và Gorbatko khi trở về từ vũ trụ.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Trần Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ảnh: TIẾN DŨNG
Phát biểu tại cuộc họp mặt kỷ niệm, Anh hùng Phạm Tuân nhắc lại lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962 về việc “sẽ có thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ” cũng như những chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi ông và phi công Bùi Thanh Liêm được lựa chọn để huấn luyện cho chuyến bay vũ trụ tại Liên Xô. Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh, ông hết sức tự hào được nhận nhiệm vụ, được vinh dự thực hiện chuyến bay vũ trụ đầu tiên của một người Việt Nam, một người Châu Á. Trung tướng khẳng định, có chuyến bay đáng nhớ đó là nhờ sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô; Liên Xô không những dành sự ủng hộ, giúp đỡ vô cùng quý báu, hiệu quả cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và khôi phục, xây dựng đất nước mà còn hết lòng giúp đỡ Việt Nam về khoa học – công nghệ, giúp Việt Nam nhanh chóng tham gia công cuộc khám phá, nghiên cứu vũ trụ. Ông xúc động nhắc đến sự giúp đỡ, tình bạn, tình đồng chí trong sáng của Viktor Gorbatko mà nay đã về cõi vĩnh hằng; cảm ơn sự ủng hộ, chia sẻ của bạn bè, đồng đội, đồng chí trong Quân chủng PKKQ cũng như quân đội nhân dân Việt Nam và trong cả nước nói chung.
Phạm Tuân, cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Gorbatko được phóng lên vũ trụ từ sân bay vũ trụ Bai-cô-nua trên tàu “Liên hợp 37” ngày 23 tháng 7 và trở về Trái Đất ngày 31 tháng 7 năm 1980 trên tàu “Liên hợp 36”. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm quỹ đạo “Chào mừng 6” cùng với hai nhà du hành vũ trụ khác của Liên Xô là L. Popov và V. Riumin. Phạm Tuân ở trong không gian vũ trụ 7 ngày 20 giờ và 42 phút. Ông đã thực hiện tổng cộng 142 vòng bay quanh Trái Đất.
Bên cạnh bộ phận hạ cánh của tàu "Liên hợp 36" đưa Phạm Tuân và V. Gorbatko tiếp đất ngày 31/7/1980, Trung tướng Phạm Tuân kể lại một số chi tiết trong chuyến bay Ảnh: ĐĂNG PHÁT
Đọc diễn văn kỷ niệm, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội Hữu nghị Việt-Nga, đã điểm lại những thành tích vẻ vang của Phạm Tuân trong chiến đấu và huấn luyện; nêu bật sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô, tình cảm đồng chí, đồng đội giữa Phạm Tuân và Gorbatko... Thượng tướng Võ Văn Tuấn cũng ghi nhận những hoạt động của Chi hội Hữu nghị Việt-Nga Quân chủng Phòng không - Không quân,
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Trần Bình Minh nêu rõ: “Mặc dù thế giới đã có nhiều đổi thay, Liên Xô không còn nữa, nhưng truyền thống hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau từ thời Xô-viết vẫn được nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga gìn giữ, tiếp tục phát triển và củng cố ngày càng bền vững”. Ông Trần Bình Minh cho biết, “ngành vũ trụ Nga mặc dù vấp phải nhiều khó khăn sau khi Liên Xô tan rã nhưng những năm gần đây đã phục hồi và phát triển ngoạn mục. Đó là nhờ Nhà nước Nga quan tâm đầu tư phát triển ngành vũ trụ và có đội ngũ các nhà khoa học Nga đầy tài năng, giàu nhiệt huyết. Các sân bay vũ trụ trên lãnh thổ Nga đã được xây dựng, như Plexétxcơ (Плесецк) và Phương Đông (Восточный) để thay thế sân bay vũ trụ Bai-cô-nua hiện ở trên lãnh thổ Ca-dắc-xtan. Các chương trình nghiên cứu Mặt Trăng và những hành tinh khác tiếp tục được thúc đẩy. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, ngành vũ trụ Liên bang Nga có thế mạnh về động cơ tên lửa, tàu chở hàng, trạm quỹ đạo v.v…”.
Tham tán Công sứ ĐSQ LB Nga V.V. Bublikov phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ảnh: TIẾN DŨNG
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, so với 40 năm trước, chúng ta cũng đã có những bước tiến quan trọng cả về tổ chức cũng như về những dự án, những công trình cụ thể và mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu vũ trụ, trong đó có hợp tác với Liên bang Nga. Chúng ta có cơ sở để hy vọng vào tương lai tốt đẹp của ngành nghiên cứu vũ trụ của Việt Nam và tin tưởng sự hợp tác, giúp đỡ lần nhau giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ sẽ mang lại những kết quả to lớn”.
Theo Hội Hữu nghị Việt - Nga