Chương trình giao lưu với các em học sinh sinh viên Campuchia và người đỡ đầu tại Việt Nam.
Đến dự chương trình về phía Việt Nam có ông Vũ Mão, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia; ông Im Hen, Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh; cùng đại diện Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Ban chủ nhiệm và các thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; cùng đại diện các gia đình đỡ đầu và các em lưu học sinh Campuchia đang theo học tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày Hội Ươm mầm Hữu nghị là hoạt động nhằm quảng bá và đánh giá về hiệu quả của phong trào Ươm mầm hữu nghị, đỡ đầu giúp đỡ lưu học sinh Campuchia trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018 vừa qua, đồng thời đề ra định hướng thúc đẩy và mở rộng phong trào trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Đánh giá về công tác Ươm mầm Hữu nghị trong năm 2018, ông Trần Tấn Ngô, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia nhận định: Trong những năm qua, phong trào Ươm mầm Hữu nghị của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã được các cấp lãnh đạo, các sở ngành địa phương quan tâm sâu sắc. Phong trào là nguồn động viên kịp thời và thiết thực về tinh thần và vật chất cho các em lưu học sinh Campuchia.
Các gia đình đỡ đầu đều coi các em như con cháu trong nhà, luôn gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, tạo sự gắn kết giữa các em với gia đình. Đó là tiền đề của sự gắn kết giữa hai dân tộc, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Ông Vũ Mão (áo xanh) tặng Bằng khen cho các gia định đỡ đầu.
Qua 3 đợt, đến nay đã có 85 em lưu học sinh Campuchia được nhận đỡ đầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ban Công tác Ươm mầm hữu nghị khu vực phía Nam đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu thường xuyên giữa các gia đình đỡ đầu và các em lưu học sinh. Các nhà chùa như Chùa Phổ Minh, chùa Huyền Trang, chùa Giác Ngộ thường xuyên mời các em sinh viên Campuchia về giao lưu, gặp gỡ, cầu nguyện và tặng quà cho các em. Một số cha mẹ đỡ đầu là chủ doanh nghiệp ngoài việc thường xuyên chăm sóc về tinh thần vật chất cho các em còn có kế hoạch giúp các em công ăn việc làm sau khi ra trường. Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia giữ mối liên hệ với các trường nơi các em theo học để phối hợp và tìm hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các em trong quá trình học tập, tạo mối quan hệ tốt 3 “có (có người đỡ đầu, có nơi lưu trú, có người được đỡ đầu), thiết lập mối quan hệ “tam thân” giúp phối hợp theo dõi thường xuyên việc học tập, sinh hoạt, tình cảm, nhằm chấn chỉnh kịp thời những khó khăn mà các em chưa tiện bộc lộ với người đỡ đầu.
Ông Trần Tấn Ngô cho rằng, để Phong trào ngày một tốt hơn, bộ phận tổ chức và các cá nhân cần chủ động sáng tạo trong chăm sóc, hỗ trợ và trong liên hệ giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của các em lưu học sinh; gắn kết tâm lý, tập quán văn hóa trong hướng xử lý giúp đỡ các em hơn nữa.
Phương hướng công tác Ươm mầm thời gian tới cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức trong các cấp Hội và các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân về đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia, phấn đấu các tỉnh, thành có đông lưu học sinh đang học tập tại các trường trên địa bàn đều tổ chức hình thức đỡ đầu trực tiếp song song với thực hiện tốt các hình thức ươm mầm hữu nghị khác. Đối với các nơi đã tổ chức đỡ đầu cần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng và tính thiết thực việc đỡ đầu, hỗ trợ.
Trong khuôn khổ chương trình, các gia đình đỡ đầu và lưu học sinh Campuchia đã giao lưu, chia sẻ cảm tưởng của mình.
Nhà văn Kim Quyên, tác giả tiểu thuyết Tình không biên giới, vui mừng và tự hào về người con nuôi Campuchia tên Linda đang học tại Học viện Hàng không. Còn với em Linda cho biết, em thấy thật may mắn khi có người mẹ Việt Nam yêu thương, dạy dỗ em từng ly từng tý.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã trao Bằng khen cho 7 gia đình đỡ đầu và 27 sinh viên Campuchia có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển phong trào Ươm mầm Hữu nghị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
t/h