Về miền xoan, ghẹo
Nói đến Việt Trì là nói đến thành phố lễ hội, kinh đô Văn Lang xưa, nơi lưu giữ nhiều di tích, di chỉ khảo cổ học; nơi khởi thủy nền văn minh lúa nước sông Hồng... Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, coi đây là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với thời đại các Vua Hùng như: Đình Lâu Thượng, đình Hương Trầm, Hát Xoan An Thái, lễ hội bơi chải Bạch Hạc... thì còn có Kim Đức, Phượng Lâu là các phường xoan gốc. Câu chuyện về nguồn gốc hát Xoan như hư, như thực được truyền từ đời nọ đến đời kia, để rồi ngày nay được cộng đồng quốc tế quan tâm khi được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan thường được trình diễn ở đình làng với tiếng hát của các nghệ nhân và những thế hệ kế thừa, nói lên tình cảm, ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thuận hòa tình làng nghĩa xóm…
Cùng với những làn điệu Xoan mượt mà, không thể không nhắc đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, vốn là đất đế đô của Nhà nước Văn Lang. Trong tâm thức dân tộc, vùng đất này được coi là vùng đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong khu vực có 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng và một số hạng mục kiến trúc khác, được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi khí thiêng của non sông hội tụ.
Với quần thể kiến trúc và tín ngưỡng độc đáo, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức Tổ tiên, đây là nơi hội tụ và biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến với Đền Hùng, du khách được thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - nghi lễ thờ cúng Tổ tiên - truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, tìm hiểu về nơi phát tích, sự xuất hiện của người Việt cổ, quá trình dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, tìm hiểu về Nhà nước Văn Lang với kinh đô Phong Châu - Nhà nước và kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Anh- Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Do năm nay thời tiết nắng ấm nên lượng khách về dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng tăng cao. Từ ngày 30 tháng Chạp năm Mật Tuất đến thời điểm này, đã có hơn 300 nghìn lượt người về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Chúng tôi đã tổ chức đón tiếp, đảm bảo an toàn, văn minh đồng thời chỉnh trang lại một số điểm thờ tự, khuôn viên, bậc lên xuống, bảo đảm sạch, đẹp; bố trí đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ thường trực tại các đền sẵn sàng hướng dẫn đồng bào thực hành nghi lễ tín ngưỡng; sắp xếp lại hàng quán, khu vực để xe tạo thuận lợi cho đồng bào dâng hương...”.
(Những ngày đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đón hơn 300 nghìn lượt người về dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng)
Tưng bừng mở hội tháng giêng
Mở đầu cho các lễ hội mùa xuân trên quê hương đất Tổ là Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Năm nay, phần hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng với các hoạt động thể thao, liên hoan văn nghệ quần chúng, tạo không khí phấn khởi vui Tết Nguyên đán mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển. Lễ dâng hương ngày Tiên thăng (ngày giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ) được bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Tuất tại Đền Mẫu Âu Cơ; Lễ tế tại đình Đức Ông tổ chức ngày mùng 5, Lễ rước kiệu và Lễ tế nữ quan gồm 2 phần: Phần rước kiệu từ 8 giờ ngày mùng 7 tháng Giêng, từ đình Đức Ông vào Đền Mẫu Âu Cơ, được tuyển chọn và luyện tập, gồm 86 nam thanh niên khỏe mạnh, 28 thiếu nữ có sức khỏe, có phẩm chất, đạo đức tốt tham gia. Phần tế nữ quan tại sân hành lễ khu di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, thực hiện lễ tế nữ quan theo nghi thức truyền thống với 21 nữ thanh tân tham gia.
“Trò Trám vào đám mười hai, chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân” - nghe câu ca ấy cũng đủ thôi thúc du khách về với xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm để xem Lễ hội Trò Trám - lễ hội độc đáo có một không hai của người dân địa phương nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được người dân ở đây trân trọng, gìn giữ. Lễ hội gồm ba phần, mở đầu là hội trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” với các trò diễn như: đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua xuân - bán xuân và dạy học. Tâm điểm của lễ hội và cũng là linh hồn của Trò Trám là “lễ mật” diễn ra lúc sang canh đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng - thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu, cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở. Sáng 12 tháng Giêng diễn ra lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Trong ngày mùng 7, cả tỉnh có 8 nơi khai hội, ngoài lễ khai hội Đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, lễ hội Hạ Điền của người Mường xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, lễ hội giã bánh giầy Trúc Phê của thị trấn Hưng Hóa (Tam Nông), hội vật đuổi giải làng Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, Lâm Thao, hát Ghẹo trong lễ hội đền chùa Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông và lễ hội đền Sồi của người Mường xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy. Tiếp tục các lễ hội đặc sắc trong tháng Giêng phải kể đến lễ hội Đình Cả; lễ hội rước ngựa làng Hiền Đa (Cẩm Khê); lễ hội cướp Phết xã Hiền Quan (Tam Nông); lễ hội đền Lăng Sương (Thanh Thủy); lễ hội rước voi đình Đào Xá (Thanh Thủy)… Các lễ hội đều tái hiện xã hội của thời đại Hùng Vương với tín ngưỡng phồn thực cầu sự sinh sôi, nảy nở của con người, vật nuôi, cây trồng; công tích của các tướng lĩnh thời Hùng Vương, các nhân vật lịch sử đã có công xây dựng quê hương, đất nước được người dân thờ phụng.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm cũng là mùa diễn ra lễ hội chào đón năm mới. Bên cạnh những yếu tố giải trí, người dân đất Tổ thường khéo léo đưa vào lễ hội những dấu ấn tâm linh, hướng con người tới đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, xây dựng đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa đất cội nguồn trong đời sống Việt. Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Sở đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các địa phương tổ chức các lễ hội dân gian đảm bảo trang nghiêm, trọng thể phần lễ, vui tươi, lành mạnh, phong phú trong phần hội trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau dịp lễ hội để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, vui vẻ và văn minh. Đặc biệt với hội Phết Hiền Quan, năm nay sẽ có nhiều sự thay đổi ở cách thức cướp phết và khâu an ninh nhằm đảm bảo tính công bằng cho các đội chơi...”.
Với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng hứa hẹn một mùa lễ hội ý nghĩa, độc đáo, ấn tượng không chỉ với người dân đất Tổ mà còn đối với cả đồng bào trong nước cũng như nước ngoài về với Phú Thọ - miền đất Tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Theo Báo Phú Thọ