Bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê Phú Thọ nào cũng có, đặc biệt là thị xã Phú Thọ. Sở dĩ có tên là bánh tai vì hình dáng chiếc bánh khi hoàn thành rất giống với tai. Nguyên liệu để làm món bánh tai rất đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và gia vị là có thể làm được.
Thịt chua là một đặc sản của người Mường vùng Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thịt để làm món này ngon nhất là loại lợn lửng do người Mường nuôi tự nhiên, quanh năm ăn củ và trái cây rừng. Nếu ai đã từng thưởng thức chắc hẳn sẽ không quên hương vị đặc trưng của nó.
Phù Ninh là vùng quê nổi tiếng với cây cọ. Bên cạnh nón lá cọ, mành cọ, ở đây còn có một đặc sản là cơm nắm lá cọ. Để có nắm cơm lá cọ, phải tìm những lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, tùy khẩu phần ăn cho một hay nhiều người mà chia thành nắm to, nắm nhỏ. Sau đó cho vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Cơm nắm lá cọ chấm với muối vừng, muối sả hay sườn lợn rang muối đều rất ngon.
Nếu như xôi cọ là món ẩm thực ngạt ngào hương đồi, hương rừng thì món tằm cọ lại hấp dẫn người thưởng thức bởi chất men say đậm đà của hương rừng, hương đất. Để thực hiện món tằm cọ thì vật dụng đầu tiên cần có là lò đất nung chứa than hoa đốt từ thân cây cọ già, nhìn lớp than hồng rực đượm màu lửa cũng đủ gợi lên những hấp dẫn, mời chào.
Trám om kho cá là đặc sản có mùi vị rất đặc biệt của Phú Thọ. Cuối tháng năm, sáu âm lịch là thời điểm thu hoạch trám. Món trám om cá có vị chua giôn giốt của trám ngấm vào làm cá mềm nục, có vị ngọt của tương, miếng trám có vị chua ngọt, béo bùi.
Phú Thọ còn nổi tiếng với món rau sắn. Món ăn này được lấy từ những ngọn của cây sắn xanh mướt trồng trên những núi đồi bạt ngàn. Mỗi mùa sắn đến, người ta thường chọn lá nếp của cây sắn trắng, không già quá mà cũng không non quá đem về rửa sạch, vò kỹ, và muối. Lá sắn muối kho cùng tép tạo nên một hương thơm riêng biệt, ngậy ngậy, bùi bùi.
Cọ ỏm là thứ quà rất nhiều du khách muốn thưởng thức khi đến Phú Thọ. Chỉ với một nồi nước đun liu riu, thả những quả cọ vào nồi, đun nhỏ lửa từ 5 đến 10 phút rồi đổ ra rổ đến khi ráo nước là có thể ăn. Người khéo léo sẽ cho mẻ cọ có màu nâu sậm, sau khi ỏm xong, nồi cọ có một lớp váng giống như váng mỡ nổi quanh nồi.
Rêu được lấy về, làm sạch rồi đem trộn với tỏi thái mỏng, muối, mì chính, hành và chút mỡ lợn rồi đem gói trong nhiều lớp lá đu đủ. Bọc rêu được đem vần than nóng cho tới khi lá đu đủ cháy đen, khi đó hương vị rêu hòa với tỏi và các gia vị tạo ra một vị ngon đặc biệt.
Ở Đoan Hùng, bưởi của xã Chí Đám và Bằng Luân là ngon nhất. Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ta tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt.
TH