Buổi lễ ngày 24/11 có sự tham dự của khoảng 600 người là khách mời và cộng đồng người Việt Nam tại Ma-rốc, trong đó có ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, ông Mustapha EL KTIRI, Cao ủy Cựu chiến binh Ma-rốc (tương đương Bộ trưởng), Chủ tịch Hội Hữu nghị Ma-rốc - Việt Nam, ông Abdelilah Afifi, Tổng Thư ký (tương đương Thứ trưởng) Bộ Thanh niên, Văn hóa và Truyền thông Ma-rốc, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện các nước tại Rabat, đại diện Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan, lãnh đạo các hội đoàn, các trường Võ Việt Nam và bạn bè Ma-rốc.
Nhân dịp này Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã có thư chúc mừng (được đọc tại buổi lễ) và quà tặng cộng đồng người Việt tại Ma-rốc, đóng góp vào việc xây dựng công trình Cổng Việt Nam.
Quang cảnh buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc cho biết: "Năm 1963, Cổng Ma-rốc tại Việt Nam, một công trình với nét kiến trúc Ma-rốc đã được xây dựng tại Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam bởi các hàng binh Ma-rốc, những người đã vì chính nghĩa mà cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và hôm nay, Đại sứ quán Việt Nam cùng gia đình của các hàng binh đó đã xây dựng Cổng Việt Nam tại Ma-rốc để bày tỏ lòng biết ơn đối với cố Quốc vương Hassan II và Quốc vương Mohammed VI đã cho phép các gia đình được hồi hương, cung cấp đất đai nhà cửa và các điều kiện thuận lợi để họ có thể hội nhập nhanh chóng vào xã hội sở tại.
Đồng thời công trình đậm nét văn hóa Việt Nam này cũng nhằm mục đích để các hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn Việt Nam, trân quý ký ức chung của hai dân tộc và cùng đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Ma-rốc. Cổng Việt Nam tại Ma-rốc cũng như Cổng Ma-rốc tại Việt Nam là biểu tượng cho tình hữu nghị và những giá trị chung được chia sẻ giữa hai quốc gia Việt Nam và Ma-rốc như tình yêu hòa bình, sự hiếu khách và lòng biết ơn”.
Cận cảnh cổng làng Việt Nam tại Ma- rốc. |
Ông Mustapha El Ktiri, Cao ủy Cựu chiến binh Ma-rốc khẳng định: "Cổng Việt Nam tại Ma-rốc là sự bổ sung cho Cổng Ma-rốc tại Việt Nam, giúp tôn vinh ký ức chung của hai dân tộc Ma-rốc và Việt Nam, làm cho các giá trị về văn hóa và lịch sử chung của hai nước sẽ tiếp tục được phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác».
Ông Abdelilah Afifi, Tổng Thư ký Bộ Thanh niên, Văn hóa và Truyền thông Ma-rốc cho rằng việc xây dựng công trình Cổng Việt Nam tại Ma-rốc càng cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, bên cạnh việc trao đổi đoàn và ký kết nhiều văn bản hợp tác thời gian gần đây…
Cổng Việt Nam được đúc bằng bê tông nguyên khối theo mô hình cổng làng truyền thống, với các đầu rồng, đầu đao và ngói ta được mang từ Việt Nam sang và các hoa văn chạm khắc trên đá bởi các thợ thủ công vùng Taza của Maroc.
Trên Cổng có 2 câu đối thể hiện tình cảm của các gia đình Ma-rốc-Việt Nam: “Ơn quê cha Ma-rốc, quyết phấn đấu vươn lên thành đạt; Nhớ Việt Nam đất mẹ, nguyện xây tình hữu nghị thủy chung». Bên cạnh đó là tấm bia ghi lại lịch sử của Làng Việt Nam tại Ma-rốc, nơi công trình được xây dựng. Tại buổi lễ, các khách mời đã trồng cây lưu niệm, thưởng thức các tiết mục múa, võ thuật Việt Nam, múa lân cùng các món ăn truyền thống của dân tộc.
Việt Nam và Maroc thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 27/3/1961. Năm 2017, Hội Hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam được thành lập, năm 2021, Hội Hữu nghị Việt Nam-Ma-rốc được thành lập. Việt Nam và Maroc đã ký kết các Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và hộ chiếu đặc biệt, Hiệp định thương mại, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các Hiệp định hợp tác trong một số lĩnh vực.
Cộng đồng người Việt tại Ma-rốc được hình thành chủ yếu từ các gia đình có chồng là hàng binh thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vợ người Việt Nam, sang Ma-rốc sinh sống từ năm 1972. Làng Việt Nam do Vua Hassane II (cha của Vua Mohamed VI hiện nay) cấp cho 7 gia đình trong số gần 80 gia đình sau khi hồi hương về Ma-rốc năm 1972, thuộc xã Douar Sfari, huyện Ameur Seflia, ngoại ô thành phố Kenitra. Tuy ban đầu chỉ có 7 gia đình nhưng từ đó đến nay đã có 2-3 thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây, và Làng Việt Nam trở thành nơi tập trung của cộng đồng mỗi dịp lễ tết.
Q.Hoa t.h / Thời Đại