Quan hệ nhân dân là nền tảng ổn định, quý giá đối với hai nước Việt Nam, Thụy Sỹ và thế giới trong bối cảnh nhiều biến động.
Bà cho biết một số kết quả nổi bật Hội hữu nghị Thụy Sỹ- Việt Nam đã đạt được trong 40 năm qua?
Tháng 11/2021, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc”, phần thưởng cao quý nhất của Liên hiệp cho bà Anjuska Weil vì có những đóng góp trong việc tăng cường đoàn kết và vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Kết quả đầu tiên dù giản dị nhưng quan trọng, đó là Hội hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong 40 năm qua và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước.
Hội đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả góp phần gia tăng hiểu biết giữa nhân dân hai nước như: Tổ chức triển lãm về hậu quả chất độc da cam ở nhiều thành phố của Thụy Sỹ, góp phầm làm cho người dân Thụy Sỹ hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam và những hậu quả nặng nề do chất da cam/dioxin để lại cho đến ngày nay; hỗ trợ bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt trong quá trình đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam;
Hàng năm Hội phát hành ấn phẩm mang tên Hòa bình - Frieden-La Paix, giới thiệu đời sống, lịch sử văn hóa Việt Nam - “một đất nước đi lên từ bao vây cấm vận đến hội nhập toàn cầu”, “xứng đáng là thành viên kính trọng trong cộng đồng quốc tế”;
Hội đã triển khai hiệu quả dự án như: Tín dụng vi mô cho người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên – Huế với khoảng 3.200 khoản vay được hỗ trợ từ năm 2005 đến nay; hỗ trợ các địa phương tại Thừa Thiên – Huế dự án xây mới, sửa chữa nhà ở cho người già, người tàn tật nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai mưa bão; duy trì lớp học tiếng Việt cho các em nhỏ gốc Việt tại trường học Bình Minh (thành phố Zurich, Thụy Sỹ) vào sáng thứ Bảy hàng tuần…
Quan hệ nhân dân Thụy Sỹ và Việt Nam nên tập trung vào nội dung nào trong thời gian tới, thưa bà?
Người dân Thụy Sỹ ngày nay quan tâm nhiều đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều người Thụy Sỹ đã chọn Việt Nam là điểm đến tham quan. Tuy nhiên, chưa nhiều người Thụy Sỹ trẻ tuổi có hiểu biết sâu sắc về Việt Nam. Quan hệ nhân dân Thụy Sỹ - Việt Nam theo đó nên tăng thêm hiểu biết lẫn nhau và hình thành một thế hệ mới kế thừa, phát huy tình hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam. Cần có những tổ chức, cộng đồng tích cực kết nối, hỗ trợ tìm hiểu thông tin. Chẳng hạn học sinh sinh viên muốn tìm hiểu thông tin có thể liên hệ phía đại sứ quán hoặc các tổ chức cộng đồng khác.
Bà Anjuska Weil thăm nhà của người cao tuổi được hỗ trợ trong dự án khắc phục hậu quả của thiên tai mưa bão ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) vào tháng 10/2022. |
Mục tiêu của Hội hữu nghị Thụy Sỹ-Việt Nam thời gian tới như thế nào thưa bà?
Dự án trường học Bình Minh là một minh chứng cụ thể của sự hợp tác giữa Hội và cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ. Sự hợp tác này có vai trò quan trọng trong việc tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước, và là bước phát triển tích cực cho quan hệ Việt Nam - Thụy Sỹ. Chúng tôi mong muốn thời gian tới trường Bình Minh được chính quyền chính thức công nhận. Để đạt được mục tiêu này, trường cần có số lượng học sinh theo học cố định trong suốt 3 năm. Năm nay có thể là năm đầu tiên có 40 trẻ em theo học.
Hội cũng đặt mục tiêu duy trì, phát triển những kết quả đạt được trong thời gian qua và mong muốn thế hệ mới sẽ kế thừa, Thế hệ này sẽ làm việc theo cách mới, với những ý tưởng mới năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn bà!