Ảnh: TV |
40 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Paris về Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị; chứng minh rằng một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng ngoại xâm bằng chính cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam phát biểu và khẳng định: “Thắng lợi của chúng ta tại cuộc đàm phán Paris là minh chứng tập chung nhất về sự đúng đắn, tài tình cũng như nghệ thuật khôn khéo của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta ghi ơn sự quan tâm lãnh đạo của các đồng chí trong Bộ chính trị, đồng thời không quên vai trò quan trọng của Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng trên hết là đánh giá công lao của các chiến sĩ và đồng bào suốt 20 năm đấu tranh. Bao nhiêu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Chúng ta hiểu rằng, nếu không có Tết Mậu Thân năm 1968, không có 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt xung quanh thành cổ Quảng Trị, không có trận Điện Biên Phủ trên không, không có miền Bắc – hậu phương lớn hỗ trợ cho tiền tuyến lớn phía Nam… thì không có Hội nghị Paris về Việt Nam. Và đương nhiên, không có Hiệp định Paris năm 1973, không thể có Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Đại Dương, và phong trào phản chiến ở Mỹ bằng nhiều hình thức đã góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta”.
Thông qua chuỗi hoạt động kỷ niệm này, người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, hiểu thêm về một chặng đường đấu tranh đầy cam go và thử thách với nhiều hy sinh mất mát nhưng rất đáng tự hào của dân tộc. Tại buổi giao lưu “ Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn”, chúng ta đã được lắng nghe tâm sự của những người bạn quốc tế như ông Ramsey Clack (người Mỹ), nguyên là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ năm 1967 – 1969 dưới thời Tổng thống L.B.Johnson – người đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và có nhiều đóng góp trong các hoạt động đoàn kết ủng hộ Việt Nam; ông Andre Menras (người Pháp) – là giáo viên, đã leo lên tượng đài lính thủy đánh bộ trước Trụ sở Quốc hội Chính quyền Sài Gòn, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và tung truyền đơn đòi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam; bà Merle Evelyn Ratner (Mỹ) – là nhà hoạt động xã hội, đã leo lên Tượng Nữ thần Tự do ở New York giương cao lá cờ của Việt Nam để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; hay câu chuyện của ông Michel Strachinesen (Pháp) - 5 năm phụ trách công tác lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình tại Paris đã khiến khán giả xúc động bằng câu chuyện bảo vệ lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Dân tộc ta, nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn họ, biết ơn tất cả những người dân, những bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình, công lý, yêu lẽ phải ở khắp mọi nơi trên thế giới đã đứng lên, cất cao tiếng nói ủng hộ Việt nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam với niềm tin chính nghĩa sẽ thắng.
Ông Michel Strachinesen buổi giao lưu “ Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn” |
“Chúng tôi bày tỏ tinh thần đoàn kết nhiệt thành với nhân dân Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, bình đẳng, dân chủ, văn minh và có điều kiện để phát triển trong một môi trường hòa bình, nơi nhân dân làm chủ vận mệnh và tài nguyên của mình.
Chúng tôi bày tỏ lòng tôn trọng và ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam, những người đã chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm, đặc biệt đối với những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Chúng tôi xin bày tỏ tình đoàn kết đối với các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt các thế hệ đến nay vẫn phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam.
Là những người yêu chuộng hòa bình từ mọi nơi trên thế giới, chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, rằng các dân tộc bị áp bức và chiếm đóng có quyền kháng cự và đấu tranh vì tự do và quyền quyết định vận mệnh của mình không có bất kỳ sự can thiệp của nước ngoài.
Bảo vệ chính các giá trị và nguyên tắc mà chúng tôi từng bảo vệ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, chúng tôi tuyên bố đoàn kết với các dân tộc đang đấu tranh cho một thế giới hòa bình và một xã hội công bằng. Từ Việt Nam, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi bày tỏ niềm tin tưởng rằng tấm gương Việt Nam sẽ cổ vũ các dân tộc trên thế giới đến thắng lợi cuối cùng!”
Sự kiện kết thúc với hoạt động vô cùng có ý nghĩa khi các đại biểu quốc tế đi thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, và đến thăm nạn nhân chất độc màu da cam tại Làng Hòa bình – Bệnh viện Từ Dũ. Khi được kiến những mảnh đời không lành lặn vì hậu quả của chất độc da cam, nhiều đại biểu đã không cầm được nước mắt. Họ ôm chặt các em bé như muốn sẻ chia nỗi đau với các em, muốn được che chở cho các em trong vòng tay nhân ái của những con người đã từng và sẽ luôn gắn bó với Việt Nam.
Sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris đã giúp chúng ta nhìn lại quá khứ nhớ về một thời kỳ hào hùng của dân tộc, nhưng không bao giờ quên đi được những nỗi đau mà chiến tranh đã để lại cho dân tộc Việt Nam. Những hoạt động có ý nghĩa như thế sẽ giúp chúng ta cùng nhau khép lại quá khứ, hướng về tương lai, và cùng nhau phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp và phồn thịnh./
Thu Hằng