Mexico thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đối thoại
Ủy ban thường vụ Quốc hội Liên bang Mexico đã hối thúc Trung Quốc giải quyết các vấn đề trên Biển Đông thông qua con đường hòa bình sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 8/7, phóng viên TTXVN tại Mexico City dẫn thông báo của Ủy ban thường vụ Quốc hội Liên bang Mexico cho biết cơ quan này đã đề xuất lên Tổng thống Enrique Peña Nieto thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu Trung Quốc giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông bằng con đường đối thoại, đàm phán, tuân thủ luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.
Cộng đồng người Việt tại New Zealand tuần hành yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. (Nguồn: TTXVN)
Đề xuất của ủy ban trên nêu rõ việc làm của người đứng đầu bộ máy hành pháp (chính phủ) nằm trong khuôn khổ pháp luật thể hiện trên chính sách đối ngoại của Mexico, trong đó có nguyên tắc không can thiệp, giải quyết mọi tranh chấp bằng con đường hòa bình, không đe dọa hay không sử dụng sức mạnh trong quan hệ quốc tế và bình đẳng luật pháp giữa các quốc gia.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội Liên bang Mexico xem xét ý kiến phân tích của nghị sỹ Sebastian Alfonso de la Rosa Pelaez thuộc Đoàn nghị sỹ đảng Cách mạng Dân chủ (PRD), theo đó chính khách này tóm tắt diễn biến diễn ra trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo nghị sỹ Rosa Pelaez, Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc làm sai trái nói trên, nhấn mạnh Trung Quốc đã vi phạm tinh thần bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 và Nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Nghị sỹ Mexico nêu rõ Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 và tàu thuyền hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời khẳng định có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Nghị sỹ Rosa Pelaez cũng cảnh báo tình hình căng thẳng trên Biển Đông đang có chiều hướng gia tăng sau vụ việc trên và có nguy cơ khiến tình trạng bất ổn leo thang tại khu vực cũng như gây ảnh hưởng tới các khu vực khác trên thế giới./.