Tháng 6/2022, World Vision Việt Nam đã hỗ trợ 8 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Phiêng Luông, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 70 gà giống 1 ngày tuổi; 50kg thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y và vắc xin. Cán bộ World Vision Việt Nam cũng tập huấn cho bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh, đồng thời thực hiện giám sát và hỗ trợ.
Số gà giống nói trên là gà đồi Tiên Yên - giống bà bản địa đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam lựa chọn nằm trong top 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam vì hương vị thịt thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giống gà này đã bị lai tạp nhiều và không đạt chuẩn về chất lượng tại nhiều địa phương.
Mô hình chăn nuôi World Vision Việt Nam phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện nhằm mục đích vừa giúp khôi phục và nhân rộng giống gà bản địa này, đồng thời giúp người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững.
World Vision Việt Nam hỗ trợ một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Phiêng Luông, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: World Vision Việt Nam). |
Theo World Vision Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, đàn gà của các hộ gia đình tham gia mô hình đều phát triển tốt và sẽ đạt tiêu chuẩn xuất chuồng trong tháng tới với mức giá trung bình 180.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập và cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho các hộ tham gia, đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Cũng tại Tuyên Quang, tại thôn Nà Pin (xã Đà Vị, huyện Na Hang) - nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc H'Mông, World Vision Việt Nam đã hỗ trợ thành lập và vận hành nhóm chăn nuôi tập trung. Tham gia nhóm là đại diện 15 hộ gia đình, nơi sinh sống của 27 trẻ em dễ bị tổn thương.
Trước đó, dù luôn nỗ lực cải thiện cuộc sống và tương lai, người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và nâng cao kỹ thuật sản xuất.
Từ khi đi vào hoạt động, nhóm chăn nuôi đã dần trang bị cho người dân các kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăn nuôi gà hiệu quả, bao gồm: làm chuồng trại, chọn giống gà, cách chăn nuôi khoa học, lập kế hoạch sản xuất, quản lý chi tiêu, hạch toán kinh tế nông hộ. Từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 12/2021, nhóm đã chăn nuôi thành công 500 con gà ta với doanh thu dự kiến lên tới 100 triệu đồng/lứa (100 nghìn đồng/kg).
Tại Hòa Bình, tháng 6/2022, World Vision Việt Nam bàn giao con giống và máy móc cho các hộ gia đình tại các xã Tân Minh, Tân Pheo, Yên Hoà và Đoàn Kết (huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) với tổng giá trị lên tới 482 triệu đồng, gồm: ngan giống, gà giống, dê giống, lợn giống, máy móc (thái chuối, cắt cỏ).
Tại Quảng Trị, tháng 8/2021, tổ chức này cũng bàn giao 26 con bò giống cho 52 hộ gia đình tại các xã Hướng Tân, Linh, Phùng, Việt, và Lập (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). 79% các hộ gia đình nhận hỗ trợ có trẻ dễ bị tổn thương nhất (95 em).
Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, World Vision Việt Nam đã trang bị cho bà con kỹ năng làm chuồng trại, chăm sóc bò theo từng giai đoạn qua khoá tập huấn theo phương pháp học hiện trường.
Trên đây là một số trong hàng ngàn hộ gia đình Việt Nam được World Vision Việt Nam hỗ trợ thông qua mô hình thoát nghèo cùng cực. Thuộc chương trình sinh kế của World Vision Việt Nam, mô hình này hướng đến những hộ gia đình nghèo nhất, có thu nhập thấp, thường xuyên không được đảm bảo về an ninh lương thực, thiếu thốn về sức khỏe, dinh dưỡng.
Thông qua mô hình, người hưởng lợi được cung cấp những nguồn lực cơ bản, kiến thức về tài chính, đào tạo về kỹ thuật, kỹ năng sống và hỗ trợ về mặt xã hội để thoát nghèo bền vững. World Vision Việt Nam hướng tới mục tiêu cải thiện sinh kế của người dân, đồng thời nâng cao vai trò của các đối tượng nghèo, chịu nhiều thiệt thòi trong cộng đồng.
Chương trình sinh kế của World Vision Việt Nam hướng tới hiện thực hóa ba mục tiêu phát triển bền vững là: Không nghèo; Không đói; Việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế. Tổ chức này thành lập các nhóm sản xuất và giới thiệu tới thành viên các nhóm chương trình can thiệp sinh kế từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn phát triển thị trường. Một số mô hình sinh kế chính bao gồm: Hệ thống canh tác lúa cải tiến, Sáng kiến chăn nuôi để chuyển đổi, Phát triển chuỗi giá trị địa phương và Nhóm tiết kiệm. Các hộ sản xuất và kinh doanh quy mô nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính sẽ được tham gia vào chương trình Tài chính vi mô để gia tăng nguồn vốn trong sản xuất và kinh doanh. Ở khu vực thành thị và ngoại thành, World Vision Việt Nam triển khai các chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các khoá đào tạo nghề và được giới thiệu việc làm, tạo tiền đề để họ vững bước trong tương lai. |
t/h Thời đại