Hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hiện nay đã phát triển có 119 tổ chức thành viên, trong đó có 52 các tổ chức hữu nghị địa phương.
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của của các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn và triển khai chia 5 cụm hoạt động. Qua đó tạo cơ chế để các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường phối hợp và gắn kết, mở rộng nguồn lực cho việc triển khai công tác đối ngoại nhân dân ở địa phương.
Cụm số 1 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ký kết giao ước thi đua năm 2023 (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc). |
Đến nay, hoạt động của các cụm đã dần ổn định và hiệu quả, góp phần tạo sân chơi thu nhỏ cho các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phươngchia sẻ thông tin, giao lưu, gắn kết và thi đua nhau trong công tác đối ngoại nhân dân. Các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương trong cụm bước đầu đã có sự kết hợp chia sẻ những hoạt động đoàn kết hữu nghị, cùng thực hiện một số nhiệm vụ đối ngoại nhân dân. Do có sự tương đồng về địa lý, điều kiện làm việc, quy mô tổ chức, nên việc tập hợp các Liên hiệp trong cụm nhiều thuận lợi. Kinh nghiệm hoạt động của các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương được phổ biến, trao đổi học hỏi dễ dàng.
Bên cạnh đó, các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương hiện giữ vị trí Trưởng cụm, Phó cụm đã phát huy vai trò dẫn dắt các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đồng thời phát huy được thế mạnh như nâng cao năng lực và kinh nghiệm công tác...
Theo báo cáo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp đã tổ chức nhiều đoàn đi làm việc tới tỉnh uỷ/thành uỷ để trao đổi, quán triệt các chủ trương, chỉ thị của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân; về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ triển khai công tác đối ngoại nhân dân tại địa phương; về sự cần thiết phải quan tâm, tạo điều kiện cho các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương và các tổ chức thành viên triển khai hoạt động.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng cử báo cáo viên cho hơn 40 chương trình tập huấn các địa phương về công tác đối ngoại, công tác đối ngoại nhân dân, công tác phi chính phủ nước ngoài… qua đó giúp nâng cao năng lực của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương và các cơ quan, tổ chức của các địa phương về các lĩnh vực công tác liên quan.
Hiện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang rà soát, triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng các tổ chức thành viên hoạt động chưa hiệu quả, đề xuất giải pháp đối với các tổ chức chỉ tồn tại trên danh nghĩa và nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức các Liên hiệp địa phương phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Phát huy cơ chế tổ chức hoạt động cụm Liên hiệp địa phương
Để phát huy cơ chế tổ chức hoạt động cụm Liên hiệp địa phương, bà Trần Hoàng Khánh Vân - Phó Trưởng đại diện Văn phòng đại diện phía Nam đề xuất sơ kết đánh giá hiệu quả hoạt động các cụm trong cả nước, có thể tiến hành dưới hình thức trực tuyến, để cùng nhau thống nhất và sớm có hướng dẫn tổ chức hoạt động cụm (mục đích, chức năng, phạm vi hoạt động…).
Có cơ chế hỗ trợ các đơn vị còn hạn chế trong cụm, khuyến khích các đơn vị chủ động đăng cai các hoạt động cấp cụm để giúp nâng tầm hoạt động đối ngoại nhân dân tại địa phương. "Liên hiệp hữu nghị có thể hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức hoạt động; kết nối với các đối tác là cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có cùng mối quan tâm; định hướng nội dung hoạt động…", bà Vân gợi ý.
Trong tham luận gửi tới Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hậu Giang cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường phối hợp giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các Hội hữu nghị thành viên Trung ương với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương và Hội hữu nghị thành viên địa phương để có sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hậu Giang đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình quốc tế và trong nước, qua đó có định hướng hoạt đối ngoại liên quan đến địa phương, giúp Liên hiệp hữu nghị địa phương tham mưu cấp uỷ, chính quyền làm tốt công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng.
Cùng với đó, có quy chế hoạt động chung từ Hội hữu nghị Trung ương đến Hội hữu nghị địa phương để có quan hệ, phối hợp trong hoạt động, đồng thời có hướng dẫn nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội hữu nghị thành viên. Hàng năm các Hội hữu nghị thành viên ở Trung ương có kế hoạch, chương trình hoạt động triển khai đến các Hội hữu nghị thành viên tương ứng ở địa phương. Thường xuyên thực hiện thông tin hai chiều về hoạt động của Hội nhằm giúp Hội hữu nghị thành viên ở địa phương định hướng hoạt động tốt. Đồng thời cung cấp tài liệu cho Hội hữu nghị thành viên ở địa phương để tuyên truyền kỷ niệm ngày quốc khánh, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, nhất là kỷ niệm năm tròn, năm chẵn có liên quan đến từng Hội hữu nghị khi tổ chức sự kiện chính trị - đối ngoại, vì thời gian qua khi tổ chức sự kiện chính trị - đối ngoại rất lúng túng về mặt nội dung.
Q.Hoa t.h / Thời Đại