Những người bạn chung chiến hào
Đại tá Vĩnh Chăn Thi - Phó Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Battambang, từng là lính trinh sát của Tiểu đoàn trinh sát Quân khu 5, Quân đội cách mạng nhân dân Campuchia tại tỉnh Battambang. Năm 1987, ông ở cùng 1 đơn vị của Mặt trận 479, quân tình nguyện Việt Nam. Đối với ông, những chuyến trinh sát luồn sâu hay phút nghỉ ngơi ở nơi đóng quân cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam đều là những kỷ niệm đẹp. Những chiến sĩ của đơn vị 2 nước gọi nhau bằng cái tên thân thiết - đồng đội.
Đại tá Vĩnh Chăn Thi (bìa trái) cùng khảo sát thông tin tìm mộ liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam cùng Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An
Gần đây, một lần nữa, Đại tá Vĩnh Chăn Thi trở lại những vùng đất từng là căn cứ chiến đấu năm xưa. Trước đây, căn cứ là rừng xanh che khuất ánh mặt trời, còn giờ được người dân khai phá, trồng hoa màu. Tuy địa hình có thay đổi nhưng ông vẫn nhận ra từng vị trí gắn liền với những trận chiến đấu khốc liệt mà máu đồng đội đã thấm, hòa quyện vào đất để màu xanh của cây trái mọc lên.
Trong những phút giây không tiếng súng, những người lính của 2 nước có dịp tạm nghỉ ngơi và cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống nơi quê nhà, những ước mơ còn dang dở và dự định cho tương lai. Mặc dù, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vẫn tận tình "nhường cơm, sẻ áo". Đặc biệt, trong ngày Tết Cổ truyền của người dân Khmer, anh em trong 2 đơn vị cùng nhau nhảy điệu múa truyền thống của nhân dân Campuchia.
Đôi mắt đượm buồn, Đại tá Vĩnh Chăn Thi nhớ về tinh thần dũng cảm của những người lính Việt Nam, rồi kể: “Do không quen với thời tiết Campuchia nên nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị sốt rét, thế nhưng, những người bạn của chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ cùng đơn vị. Nhiều đồng chí Việt Nam không qua khỏi cơn sốt rét ác tính. Trong 1 trận chiến đấu chống lại quân Pol Pot, đơn vị của quân tình nguyện Việt Nam luôn sát cánh cùng đơn vị của tôi để đẩy lùi các đợt phản kích của địch. Trước khi xung trận, bộ đội Việt Nam ngụy trang tuyệt đối bí mật, đến khi được lệnh nổ súng thì địch mới biết. Nhờ đó, 2 đơn vị đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của địch”.
Với tâm nguyện chia sẻ những mất mát của các gia đình Việt Nam có con hy sinh tại chiến trường Campuchia, những ngày này, Đại tá Vĩnh Chăn Thi phối hợp Đội K73 đi khảo sát thông tin, tuyên truyền nhân dân phối hợp cung cấp thông tin các phần mộ liệt sĩ. Dù đi vào những phum, sóc xa xôi hay rừng sâu, núi thẳm, ông vẫn miệt mài trên chặng đường hành quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trở về với quê hương.
“Người bạn đỡ đạn cho tôi”
Sư thầy Dec Cun Tha kể lại ký ức đẹp về bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Sư thầy Dec Cun Tha, chùa Ou Da, phum Ou Da, xã Buan, huyện SompuaLun, tỉnh Battambang vui mừng khi đón tiếp Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đến ở tại chùa. Sư thầy Dec Cun Tha từng là chiến sĩ của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia, đóng quân ở tỉnh Busat, Vương quốc Campuchia. Suốt 5 năm chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, sư thầy Dec Cun Tha gắn bó cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam. Những ngày chiến đấu gian khổ, tình nghĩa giữa bộ đội Việt Nam và sư thầy luôn đậm sâu. Trong ký ức của thầy, hình ảnh bộ đội Việt Nam mãi đẹp, tận tình giúp đỡ nhân dân Campuchia vượt qua nỗi đau thương, mất mát.
Trong những chuyến hành quân, đi qua làng mạc không một bóng người, toàn bộ của cải vật chất của người dân bỏ lại ở nhà để chạy giặc nhưng được bộ đội Việt Nam bảo vệ. Bên cạnh đó, quân tình nguyện Việt Nam còn giúp người dân sửa lại nhà cửa để sau này khi trở về không bị đói và sớm ổn định chỗ ở, tiếp tục lao động, sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. Hình ảnh con chó của một người dân Campuchia nằm thoi thóp vì nhiều ngày không có ăn đã được quân tình nguyện Việt Nam cứu giúp. Sau khi khỏe lại, chú chó cứ quấn quýt bộ đội Việt Nam, không muốn rời xa.
Giọng của sư thầy chùng xuống, đôi mắt đỏ quầng khi nhắc tới người lính thông tin của quân tình nguyện Việt Nam đã gắn bó với sư thầy trên những bước quân hành. Hai người như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau, một nắm cơm cũng chia cho nhau. “Năm 1986, trong trận đánh tại thành phố Pailin, người lính thông tin và đồng đội của anh cùng đơn vị của tôi xung phong đánh quyết liệt với quân Pol Pot dù chúng tập trung hỏa lực đánh dữ dội vào đội hình. Và, người lính thông tin ấy đã đỡ cho tôi một viên đạn để đến bây giờ, tôi vẫn còn sống, còn anh mãi mãi ngã xuống. Máu của anh đã thấm vào mảnh đất Pailin. Giờ đây, hàng ngày, tôi vẫn luôn tụng kinh, cầu siêu cho anh ấy” - sư thầy Dec Cun Tha xúc động.
Những câu chuyện về tình đồng đội cùng chung chiến hào của quân đội 2 nước là minh chứng sâu sắc cho tình đoàn kết của 2 dân tộc. Máu của những người lính cùng chung chí hướng của 2 dân tộc đã tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đời đời bền vững.
Q.Hoa t.h / Báo Long An