Đại sứ Lê Linh Lan tiếp nhận đóng góp 20.000 CHF cho Quỹ vaccine của doanh nhân Thụy Sĩ Urs Angst. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Hưởng ứng lời kêu gọi do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phát động, Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, Hội người Việt tại Thụy Sĩ, một số doanh nghiệp Thụy Sĩ và Việt Nam tại Zurich ngày 21/6 đã cùng tham gia đóng góp cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
Đại sứ Lê Linh Lan đã ghi nhận và cảm ơn tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, hướng về đất nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Việt Nam tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát vẫn còn cao trước sự xuất hiện của các biến chủng mới dễ lây lan hơn.
Chương trình đã quyên góp được tổng cộng hơn 32.500 CHF (tương đương 850 triệu đồng), trong đó có doanh nhân Thụy Sĩ, ông Urs Angst, chủ công ty chế biến thực phẩm Metzgerei-Angst Thụy Sĩ đóng góp 20.000 CHF (500 triệu đồng); doanh nhân người Việt tại Thụy Sĩ, ông Trương Thành Nguyên, chủ doanh nghiệp TRUONG VINH AG đã ủng hộ 125 triệu đồng; Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Thụy Sĩ, mỗi Hội đã ủng hộ 37,5 triệu đồng; doanh nhân Thụy Sĩ Urs Oberholzer góp hơn 25 triệu đồng; ông Trương Thành Vinh, chủ nhà hàng Việt Nam tại Zurich ủng hộ hơn 25 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều người Việt tại Thụy Sĩ và bạn bè Thụy Sĩ cũng tham gia ủng hộ trong buổi phát động này.
Theo doanh nhân Trương Thành Nguyên, việc đóng góp cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 thể hiện một phần trách nhiệm để người dân Việt Nam được tiêm vaccine và đất nước sớm mở cửa đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ông Urs Angst cho biết khó tránh khỏi những khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng các công ty, các doanh nhân vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp quỹ. Mặc dù kinh doanh là làm kinh tế với mục tiêu lợi nhuận nhưng cũng không được quên trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, đó có thể coi là một nét đẹp văn hóa của giới doanh nhân Việt Nam và Thụy Sĩ.
Doanh nhân Thụy Sĩ Urs Oberholzer trao tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Geneva, ông Urs Angst bày tỏ mong muốn sớm được quay trở lại Việt Nam càng sớm càng tốt và để có thể thực hiện được nguyện vọng này thì toàn bộ người dân Việt Nam cần có đủ vaccine để tiêm phòng.
Nhìn chung, giới doanh nhân ở Thụy Sĩ đều hy vọng được nới lỏng quy định về thời gian cách ly bắt buộc nếu đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ khi nhập cảnh Việt Nam. Hiện trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị áp dụng “hộ chiếu vaccine” và cho phép mở cửa trở lại.
Bà Ngọc Dung Moser, Tổng thư ký Hội Người Việt tại Thụy Sĩ cho rằng dù đang sinh sống ở nước ngoài nhưng tất cả vẫn là người Việt Nam đều có người thân, gia đình gắn bó với quê hương và việc đóng góp vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 này thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch.
Tại buổi lễ tiếp nhận, Đại sứ Lê Linh Lan đã bày tỏ sự cảm kích tinh thần chia ngọt sẻ bùi và sự tận tâm với quê hương của doanh nhân Trương Thành Nguyên và công ty TRUONG VINH AG, chuyên về nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam phân phối tại thị trường Thụy Sĩ, đặc biệt là sự đóng góp không nhỏ của doanh nhân Thụy Sĩ Urs Angst và công ty thực phẩm Angst TRUONG VINH Viet Nam với số tiền lên tới gần 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều kiều bào là chuyên gia, trí thức tại Thụy Sĩ đã luôn đồng hành cùng Đại sứ quán, chung sức đồng lòng với Chính phủ tự nguyện góp sức, góp tiền, trí tuệ, tình cảm, theo mọi hình thức, ở mọi nơi, mọi lúc.
Cộng đồng Việt Nam và bạn bè Thụy Sĩ tham gia buổi quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại Zurich. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Ngoài những khoản đóng góp có thể thống kê được nêu trên, còn có những hội đoàn người Việt khác ở Thụy Sĩ đã trực tiếp chuyển tiền ủng hộ về tài khoản ngay khi mạng cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ lan truyền đi lời kêu gọi do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phát động hồi đầu tháng 6 và cách thức gửi tin nhắn đóng góp cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.
Tấm lòng hướng về quê hương của cộng đồng người Việt nói chung và tại Thụy Sĩ nói riêng dù trong hoàn cảnh nào vẫn đang cuộn chảy mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy của đồng bào trong nước, là nguồn lực và nguồn động viên ấm áp thúc đẩy Việt Nam sớm vượt qua thử thách, phục hồi và phát triển.
T/h theo Tạp chí Thời đại