Ngày 23/10, thừa ủy quyền của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn, ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương đã trao tặng nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn phần thưởng cao quý của Liên hiệp.
Theo ông Nguyễn Đăng Phát: Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn là người bền bỉ kết nối, gìn giữ mối liên hệ văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam, Nga. Ông luôn đáu đáu tâm nguyện trao truyền những báu vật văn hoá của hai dân tộc cho thế hệ trẻ...
Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn (bìa trái) nhận kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Đăng Phát) |
Thúy Toàn đã xuất bản hơn 60 tập sách, trong đó có khoảng 10 tập thơ, với hàng ngàn bài thơ Nga đến với bạn đọc Việt Nam. Ông kể: “Tôi gắn bó gần cả cuộc đời với văn học Nga - Xô Viết. Việc dịch các tác phẩm về văn học Nga - Xô Viết đòi hỏi phải thông thạo tiếng Nga, am hiểu về văn hóa, con người nước Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ, văn học dân tộc. Vì vậy, tôi say sưa tự học, tự nghiên cứu để đưa giá trị văn hóa Xô viết đến với công chúng Việt Nam”, dịch giả Thúy Toàn kể
Theo dịch giả 85 tuổi, từ những ngày đầu tiên khi dịch thơ Puskin, ông đã phải ngồi thảo luận rất nhiều buổi với nhà văn Olga Ulyanova, cháu gái của lãnh tụ Liên Xô Vladimir Lenin, để hiểu và cho ra bản dịch ưng ý nhất. Hay khi dịch tập trường ca cổ của dân tộc Nga "Khúc ca về cuộc hành binh Igo", Thúy Toàn phải tự học thêm tiếng Nga cổ, sưu tầm trên 20 bản dịch ra tiếng Nga hiện đại để so sánh, đối chiếu, thấu hiểu triệt để câu thơ nguyên bản.
Ông cũng đã tìm được cảm hứng, từ ngữ và nhịp điệu thơ Việt Nam thích hợp để truyền cái thần của khúc ca sang tiếng Việt nhuần nhuyễn, biến khúc ca bất hủ không chỉ là một tác phẩm dịch nghệ thuật đơn thuần, mà là một công trình khoa học nghiêm túc. Ông chăm chút đến nhạc điệu của câu thơ dịch, những âm hưởng ca dao, thơ cổ điển và thơ mới Việt Nam, làm bản dịch luôn có sự mượt mà tươi tắn, cả người đọc thơ Nga nguyên bản cũng khâm phục rằng, đó là sáng tạo mang đấu ấn Thúy Toàn độc đáo.
Phó Tiến sĩ, Phó giáo sư A. A. Saikin nói: “Nhờ có dịch giả Thúy Toàn, bạn đọc Việt Nam được tiếp xúc với hòn ngọc của nền văn học Nga, trong đó có "Khúc ca về cuộc hành binh Igo". Bản dịch của ông đã đóng góp vào việc nghiên cứu, giới thiệu văn học Nga của thời đại xa xưa”.
Gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp lan tỏa thơ ca Nga tại Việt Nam nhưng dịch giả Thúy Toàn chưa một lần nghĩ rằng mình chính là người đặt nền móng cho cây cầu hữu nghị văn hóa Nga - Việt. Ông cho biết: “Tôi không dám đặt cho mình là cầu nối khi làm công việc dịch thuật thơ Nga. Nhưng việc dịch thuật là mong muốn giới thiệu không chỉ một cái đẹp trong thơ của một tác giả mà nhiều tác giả của Nga. Điểm mạnh của tôi là “nhặt bông hoa” của nhiều tác giả. Mình thấy những cái đẹp cảm được nên những bài tôi chọn vì thích thì người khác cũng thích. Chính vì thế, cây cầu nối văn học Nga - Việt tự nhiên xuất hiện thôi”.
Nhắn nhủ các dịch giả trẻ, ông mong rằng các dịch giả phải có tình yêu với công việc dịch thuật. "Đã yêu phải “yêu đến nơi, đến chốn", phải tra cứu kỹ càng. Bài dịch nào khi gửi tâm hồn vào đó sẽ hợp với một tâm hồn đồng điệu khác, chứ không hẳn chỉ là câu chữ”, ông nói.
Dịch giả Thúy Toàn sinh năm 1938 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 12 tuổi, Thúy Toàn học ở Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử 100 học sinh ưu tú trong đó có Thúy Toàn sang Liên Xô học các chuyên ngành để về phục vụ và xây dựng đất nước. Với năng khiếu văn học bộc lộ từ nhỏ, Thúy Toàn được gửi vào học ở Trường Đại học Sư phạm Lênin. Tại đây, ông say sưa học tiếng Nga, đọc các tác phẩm về văn học Xô Viết và bắt đầu dịch những bài thơ, mẩu chuyện thiếu nhi của Liên Xô sang tiếng Việt gửi về đăng trên các báo, tạp chí. Nhiều tác phẩm kinh điển của nền văn học Nga - Xô Viết đã được ông truyền tải một cách chân thật, sinh động đến với bạn đọc Việt Nam, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà. Năm 2010, dịch giả Hoàng Thúy Toàn được Tổng thống Nga lúc bấy giờ Dmitry Medvedev tặng Huân chương Hữu nghị tại điện Kremli, ghi nhận những đóng góp bền bỉ và xứng đáng của ông trong việc xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. |
Q.Hoa t.h / Thời Đại