Tham dự buổi tiếp, về phía Quảng Ninh có ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; ông Phạm Văn Thành, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Liên hiệp Hữu nghị tỉnh; UBMTTQ; Ban Tuyên Giáo, Ban Dân vận; Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía VUFO có: ông Nguyễn Văn Doanh, Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch VUFO, đại diện Ban Thông tin Đối ngoại; Ban Điều phối viện trợ nhân dân; Ban Công tác địa phương; Ban Châu Mỹ và Tạp chí Thời Đại.
Đoàn công tác của VUFO do ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch VUFO làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác đối ngoại nhân dân sáng 23/3. |
Điểm nhấn công tác đối ngoại nhân dân vùng đất mỏ
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, Liên hiệp Quảng Ninh đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới đất liền giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), duy trì, hoạt động 08 cặp kết nghĩa (07 cặp Bản - Bản và 01 cặp Xã - Trấn) hai bên biên giới.
Không chỉ với Trung Quốc, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác với 3 tỉnh Bắc Lào trên cơ sở bản hợp tác đã ký năm 201. Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chương trình học bổng dành cho sinh viên các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng; Xay Nhạ By Ly (Lào) đến học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt và cấp học bổng cho 407 lượt lưu học sinh với tổng kinh phí đào tạo đã cấp cho 3 tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2011 - 2020 trên 74 tỉ đồng. Từ 2011 đến nay, tỉnh đã trích nguồn ngân sách tỉnh 56 tỉ đồng để hỗ trợ nước bạn xây dựng một số công trình công cộng như trường học, công viên. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tháng 6/2020, Quảng Ninh đã trao tặng Luông Pha Băng trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh với tổng trị giá 200 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Ninh cũng không ngừng nỗ lực mở rộng quan hệ với nhiều đối tác mới, thể hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa của tỉnh trong công tác đối ngoại nhân dân.
Về công tác viện trợ PCPNN, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 31 tổ chức đăng kí hoạt động, năm 2020 có 20 tổ chức đăng kí hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 chương trình dự án được triển khai bởi 10 tổ chức PCPNN với tổng vốn thực hiện dự án trên 1,6 triệu USD tương đương trên 35 tỷ đồng, trong đó 08 dự án do UBND tỉnh phê duyệt và 02 dự án có Trung ương phê duyệt...
Liên hiệp Quảng Ninh hiện có 06 hội hữu nghị với 1.797 hội viên.
Mặc dù Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực hợp tác, hữu nghị cũng như thu hút viện trợ PCPNN... tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả này vẫn còn khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng, vị trí, vai trò của vùng đất mỏ nói riêng và so với cả nước nói chung.
Nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực
Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) cho biết: Số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hoạt động ở Quảng Ninh khá khiêm tốn, việc giải ngân tại địa phương cũng tương tự. Hiện, các tổ chức PCPNN đang hoạt động tại Quảng Ninh chủ yếu đến từ Mỹ hoặc khu vực Tây Âu; lĩnh vực hoạt động là y tế (nghiên cứu bệnh dịch truyền nhiễm; chăm sóc, triệu trị bệnh nhân HIV); cai nghiệm ma túy; tập trung nhóm yếu thế, phụ nữ, trẻ em, chống buôn bán người; bảo vệ môi trường... Thời gian tới, Quảng Ninh có thể thu hút viện trợ PCPNN vào tỉnh ở các lĩnh vực như: triển khai, hỗ trợ mô hình sinh kế cho người dân làng chài; Nâng cao nhận thức xây dựng nền kinh tế xanh...
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Quảng Ninh đề xuất một số vấn đề nhằm nâng cao công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. |
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân tại Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Quảng Ninh đưa ra 05 đề xuất. Thứ nhất, Ban Đối ngoại Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao và VUFO quan tâm giúp tỉnh định hướng mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ hai, đề nghị Bộ Ngoại giao, Ủy ban công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, VUFO và các ngành liên quan ở Trung ương hướng dẫn, cung cấp thông tin, đầu mối về người Việt Nam ở nước ngoài để tỉnh có kế hoạch tiếp xúc, nắm bắt tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, vận động họ trở về quê hương hợp tác, đầu tư tại tỉnh. Thứ ba, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới, đặc biệt các xã, thôn, bản dọc tuyến biên giới; tiếp tục quan tâm và có cơ chế chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư khu vực biên giới. Thứ tư, đề nghị VUFO quan tâm, kết nối các tổ chức PCPNN với Liên hiệp Quảng Ninh để phát huy vai trò của tổ chức, thu hút viện trợ của tỉnh. Thứ năm, quan tâm đến chế độ, chính sách, biên chế cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân nhằm nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ.
Tham gia buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Doanh, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch VUFO đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự về quy mô, mô hình tổ chức cũng như vai trò, vị trí, nhiệm vụ của VUFO nói riêng và đối ngoại nhân dân nói chung. Đặc biệt, thông tin về các văn bản, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Doanh trao đổi thông tin tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Doanh nhấn mạnh: Quảng Ninh như một Việt Nam thu nhỏ có nhiềm tiềm năng, thế mạnh, năng động, phát triển dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh có nhiều mô hình điểm sáng về kinh tế, du lịch, đối ngoại có thể nhân rộng ra cả nước. Cụ thể, mô hình kết nghĩa bản - bản mang lại hiệu quả cao, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Hoặc, tại Quảng Ninh, dù chưa có Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh nhưng hoạt động với nước bạn Lào vẫn sôi động, ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, Quảng Ninh có hơn 15.000 Việt kiều, đây sẽ là nguồn lực, thế mạnh lớn của Quảng Ninh.
Phát huy những lợi thế đó, Phó Chủ tịch VUFO Nguyễn Văn Doanh mong muốn, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho các hoạt động đối ngoại nhân dân của toàn hệ thống, trong đó Liên hiệp Quảng Ninh là nòng cốt. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, sở ngành, các địa phương, đặc biệt là các tổ chức làm công tác đối ngoại nhân dân đoàn kết, phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt, Liên hiệp Quảng Ninh cần chủ động theo đúng phương châm của VUFO là "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", cụ thể, chủ động xác định phương hướng, mục tiêu, xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình, chủ động kết nối, liên kết, phối hợp, chủ động tham mưu, đề xuất. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng xem xét bố trí nhân sự chuyên trách mảng đối ngoại nhân dân, đồng thời, quan tâm hơn về kinh phí hoạt động cho công tác này.
"VUFO sẽ sát sao, hỗ trợ Liên hiệp Quảng Ninh trong các hoạt động lớn nhỏ cũng như tìm đối tác, cơ hội, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng…", ông Doanh nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ngô Hoàng Ngân phát biểu. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ngô Hoàng Ngân mong muốn, trong thời gian tới, VUFO tăng cường công tác phối hợp với tỉnh Quảng Ninh để thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, bám sát với mục tiêu, định hướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ. Đồng thời nghiên cứu đề xuất trung ương hoàn thiện cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của liên hiệp các tổ chức hữu nghị tại địa phương để phát huy vai trò trong công tác đối ngoại nhân dân.
N.Nghiêm/Thời đại