Tham dự Đại hội có ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương; ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.
Báo cáo tại Đại hội nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2024-2029, Liên hiệp hữu nghị Hải Dương sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức tinh gọn, hiệu quả, hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh tỉnh Hải Dương.
Ban Chấp hành Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2024-2029 ra mắt Đại hội. |
Các mục tiêu cụ thể gồm: 100% Hội hữu nghị thành viên tổ chức hoạt động thường xuyên; phát triển hội viên mới là những người đã và đang học tập, lao động tại các nước có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hải Dương; vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tăng 10% trở lên so với nhiệm kỳ trước; thành lập ít nhất một Hội hữu nghị mới; đẩy mạnh tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách đối ngoại nhân dân.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Liên hiệp hữu nghị Hải Dương khóa IV tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên hiệp nhiệm kỳ mới.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, công tác đối ngoại nhân dân phải đổi mới cả tư duy và hành động. Ông đề nghị Liên hiệp hữu nghị Hải Dương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại nhân dân. Liên hiệp hữu nghị Hải Dương cần tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy và các cấp lãnh đạo quán triệt nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác đối ngoại nhân dân. Đối ngoại nhân dân không chỉ là các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ mà còn là phương tiện để thúc đẩy quan hệ quốc tế, quảng bá hình ảnh địa phương và phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương thức, nội dung triển khai các hoạt động để đối ngoại nhân dân đi vào thực chất. Tăng cường kết nối giữa các tổ chức địa phương và trung ương, đồng thời mạnh dạn đăng cai tổ chức các sự kiện đối ngoại nhân dân quy mô lớn.
Tăng cường thu hút nguồn lực quốc tế. Tỉnh cần phát huy vai trò của Trung tâm hợp tác hữu nghị; tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai hoạt động. Đồng thời, cần định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: công nghệ cao, năng lượng xanh, du lịch cộng đồng...
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng (thứ hai từ phải sang) tặng Cờ lưu niệm cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hải Dương. |
Kết nối cộng đồng kiều bào. Phát triển cơ sở dữ liệu người Hải Dương ở nước ngoài, tăng cường chia sẻ thông tin, tổ chức các chương trình thiết thực để kết nối và phát huy nguồn lực của cộng đồng này. Đồng thời, tạo điều kiện để họ đầu tư và hợp tác tại quê hương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ địa phương.
Nâng cao năng lực tổ chức. Liên hiệp hữu nghị Hải Dương cần xây dựng chương trình hành động cụ thể sau Đại hội; khắc phục những hạn chế trong phối hợp với các sở, ban, ngành; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội hữu nghị thành viên.
Nhân dịp này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tặng Cờ lưu niệm cho Liên hiệp hữu nghị Hải Dương; trao kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" cho 3 cá nhân; Bằng khen cho 4 tập thể và 5 cá nhân. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương trao Bằng khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Thời Đại